4 bài học vàng giúp Trung Nguyên xây dựng nên thương hiệu lớn mạnh – Học viện Doanh nhân MVV Academy

4 bài học vàng giúp Trung Nguyên xây dựng nên thương hiệu lớn mạnh

Jul 11, 2018

Xuất phát điểm là một bản kế hoạch còn nhiều lỗ hổng tại nhà trọ lụp xụp vào cuối những năm 90 nhưng giờ đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã là chủ của một đế chế cà phê hùng mạnh tại Việt Nam. Bên cạnh việc không ngừng phát triển sản phẩm, “ông vua cà phê” cũng không quên xây dựng thương hiệu thật thành công. Để có thể “chiếm lĩnh” tâm trí người tiêu dùng như hiện nay, Trung Nguyên đã trải qua những bài học “xương máu” như thế nào?

1. ĐƯA CÂU CHUYỆN VĂN HÓA DÂN TỘC VÀO SẢN PHẨM

Không tập trung vào việc truyền thông “Sản phẩm của tôi tốt như thế nào? Sản phẩm của tôi hơn các sản phẩm khác ra sao?”, Trung Nguyên định vị nhãn hiệu của mình như một phần văn hóa truyền thống Việt Nam. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, hàng hóa phải là hình ảnh con người, là nét văn hóa của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là vật phẩm để bán. Có thể thấy, các bảng hiệu của Trung Nguyên đều mang màu nâu – màu của đất, màu của hạt cà phê. Nếu nhìn vào thời kỳ đầu phát triển, logo của Trung Nguyên là một mũi tên trắng chứa 3 vạch kẻ ngang. Đây là hình tượng cách điệu cho căn nhà rông ở Tây Nguyên cùng phần bậc thang bước lên nhà.

Logo cũ của Trung Nguyên với hình tượng nhà rông Tây Nguyên cách điệu.

Nhờ điều đó, những khách hàng sử dụng sản phẩm Trung Nguyên không chỉ đang thưởng thức một loại cà phê đúng điệu mà còn cảm nhận một phần văn hóa dân tộc Việt Nam dù ở nơi đâu.

2. GIÚP NGƯỜI TRƯỚC KHI GIÚP MÌNH

Rất nhiều nhãn hàng xây dựng chiến lược để tạo thiện cảm nơi khách hàng, nhưng đó không phải là cách ông Đăng Lê Nguyên Vũ hướng tới. “Phụng sự cộng đồng” đã trở thành mục tiêu phát triển cho Trung Nguyên trong nhiều năm qua. Nhãn hàng đã thực hiện nhiều chương trình như Xây dựng Thương hiệu Nông sản Việt, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thế hệ trẻ của đất nước như “Khởi nguồn sáng tạo”… Không cần một lời nào được nói ra, Trung Nguyên tự xây dựng một tập khách hàng yêu mến mình nhờ chính những giá trị mà họ mang tới, bên cạnh các ly cà phê thượng hạng.

3. NỔI BẬT ĐỂ THU HÚT

Tất cả những chiến dịch rầm rộ không thể thành công nếu bạn không gây được sự chú ý với người tiêu dùng. Hiểu rõ điều này, Trung Nguyên đã thực hiện một cuộc “xâm nhập” thị trường vô cùng ngoạn mục. Các cửa hàng cà phê nằm ở những con phố sầm suất nhất của những thành phố lớn, các bảng hiệu “ngự” tại những vị trí đắc địa, đủ để khiến khách hàng không khỏi tò mò và muốn một lần nếm thử. Dần dần, những mảng màu nâu đất đã trở thành dấu hiệu nhận biết của Trung Nguyên trên khắp mọi miền Tổ quốc.

4. GẮN LIỀN BẢN THÂN VỚI THƯƠNG HIỆU

Đặng Lê Nguyên Vũ là một người đặc biệt giỏi trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Ông đã nâng tầm của mình, không chỉ là người đại diện cho Trung Nguyên mà còn là tiếng nói cho nền cà phê Việt. Vào năm 2011, “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo danh tiếng Financial Times như một ví dụ về mô hình doanh nghiệp thành công: “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng, người Việt có thể sản xuất được những loại cà phê sành điệu, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Thế là vào những năm 1990, nhãn hiệu Trung Nguyên ra đời với một nhà máy và một chuỗi quán cà phê. Đưa ngành cà phê Việt Nam vượt ra khỏi mặc cảm là cà phê chất lượng thấp, giá rẻ”. Ông cũng được Forbes vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam” vào năm 2012. Có thể thấy, khi thương hiệu được gắn liền với một cá nhân xuất sắc, niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ được củng cố hơn rất nhiều.

Việc xây dựng thương hiệu thành công không chỉ giúp bạn chiếm được trái tim của người tiêu dùng mà còn góp phần không nhỏ trong việc gia tăng doanh thu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng các công thức phát triển giống hệt nhau. Vậy đâu là định hướng xây dựng chiến lược phù hợp dành cho bạn? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp bằng các bài học giúp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp trong những khóa học đào tạo thiết kế riêng cho doanh nghiệp của MVV Coaching.