4 bước “vẽ” nên bản mô tả công việc “triệu người mơ” – Học viện Doanh nhân MVV Academy

4 bước "vẽ" nên bản mô tả công việc "triệu người mơ"

Jul 11, 2018

Một bản mô tả công việc hoàn hảo sẽ là một trong những yếu tố thu hút các ứng viên tài năng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ liệt kê các đầu việc một cách sơ sài dẫn tới việc tuyển dụng nhầm người. Hãy cùng MVV Coaching tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi viết mô tả công việc.

1. CHỨC DANH RÕ RÀNG

Doanh nghiệp cần ghi rõ vị trí ứng tuyển và sử dụng đúng từ ngữ chuyên ngành của chức vụ đó để đảm bảo người đọc không bị hiểu lầm trong quá trình tìm hiểu. Ví dụ, agency của bạn đang muốn tuyển “Art Director”, đừng dịch chúng thành “Giám đốc nghệ thuật” mà hãy giữ nguyên tên tiếng Anh. Sự sai lệch về thông tin có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ ứng viên phù hợp.

2. MÔ TẢ CÔNG VIỆC CỤ THỂ

Tuy không cần quá chi tiết vào từng đầu việc nhỏ nhưng doanh nghiệp cũng nên “vẽ” một bức tranh toàn cảnh về những hạng mục công việc cho vị trí đó. Điều này sẽ giúp ứng viên có thể hình dung khối lượng công việc của mình, tránh sự xung đột giữa lãnh đạo và nhân viên về sau.

3. ĐỪNG BỎ QUA THÔNG TIN PHÚC LỢI

Hãy coi các ứng viên là “khách hàng” nội bộ của doanh nghiệp. Bạn cần nêu những bằng chứng để thuyết phục họ nên chọn công ty mình chứ không phải một nơi nào khác. Ngoài yếu tố lương bổng, những thông tin về chế độ bảo hiểm, quyền lợi nghỉ phép hay các trợ cấp đi kèm cũng sẽ là điểm cộng thu hút người lao động.

4. GIỚI THIỆU VĂN HÓA CÔNG TY

Rất ít doanh nghiệp đề cập tới văn hóa nội bộ trong bảng mô tả công việc. Trên thực tế, những nhân viên không hiểu rõ về công ty thường có tỷ lệ trung thành kém, dễ dàng nhảy việc khi có cơ hội. Giới thiệu những nét tiêu biểu về doanh nghiệp như tầm nhìn, câu trúc tổ chức hay những hoạt động thường nhật của nhân viên cũng là cách “tự quảng cáo” của doanh nghiệp, khiến ứng viên cảm thấy họ có thể trở thành một phần quan trọng trong tổ chức này.

Bên cạnh những điều trên, bản mô tả công việc cần tránh sự phân biệt đối xử về kinh nghiệm làm việc, tuổi tác hay giới tính. Ví dụ, dòng chữ “Yêu cầu ứng viên có ít nhất 3-5 năm kinh nghiệm” sẽ là một rào cản khiến doanh nghiệp bỏ qua những người trẻ tiềm năng. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng thường mắc phải lỗi sau: Tỏ ra bí ẩn. Họ cho rằng những thông tin lập lờ sẽ kích thích sự tò mò, khiến ứng viên cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này lại gây tác dụng ngược, người lao động sẽ cảm thấy dè chừng trước những bản mô tả không rõ ràng.

Có thể thấy, bản mô tả công việc chính là ấn tượng đầu tiên của ứng viên về doanh nghiệp. Việc đầu tư kỹ càng cho chúng sẽ giúp hiệu suất tuyển dụng được nâng cao, từ đó thu hút được những nhân viên tài năng cho tổ chức.