5 “siêu kỹ năng” bạn sẽ cần cho những công việc trong tương lai – Học viện Doanh nhân MVV Academy

5 “siêu kỹ năng” bạn sẽ cần cho những công việc trong tương lai

Jun 21, 2018

Có phải bản mô tả công việc của bạn đã thay đổi trong vòng 5 năm vừa qua? Thậm chí, cách đây vài năm, vị trí của bạn có thể còn chưa xuất hiện. Theo nghiên cứu “Future Skills” của Institute for the Future (IFTF), môi trường kinh doanh của tương lai sẽ khác biệt khá nhiều so với hiện tại với sự tác động của công nghệ, sự thay đổi về kinh tế, môi trường và chính trị.

Adam Miller, CEO của Cornerstone, đối tác của IFTF trong nghiên cứu trên, cho biết: "Phần lớn những công việc không yêu cầu nhiều kỹ năng cao cấp sẽ trở nên lạc hậu và bị thay thế bởi máy móc trong tương lai. Mặt khác, những công việc yêu cầu kỹ năng cao cấp về công nghệ lại đang rộng mở vì không có đủ nhân sự đáp ứng được yêu cầu. Nhiều người vẫn chưa nhận ra, nhưng vòng đời của kỹ năng đang ngắn hơn nhiều so với trước đây”.

Cũng theo IFTF, nếu bạn muốn cạnh tranh và giữ vững vị thế của mình trong thị trường lao động, bạn sẽ cần làm chủ 5 “siêu kỹ năng” này.

1. XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Thành công không có nghĩa là tách biệt với xã hội. Bạn sẽ cần một thương hiệu cá nhân thể hiện được bạn là ai và bạn muốn trở thành ai. Điều này sẽ bao gồm việc xây dựng danh tiếng, niềm tin và số lượng người theo dõi. Theo Jennifer Lasater, Phó Chủ tịch Dịch vụ tuyển dụng tại Purdue University Global, hình ảnh mà bạn xây dựng cho bản thân sẽ rất quan trọng trong việc tăng sự tự tin để truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng.

Hãy bắt đầu với những việc cơ bản như kiểm tra tên email và trang mạng xã hội của bạn. Đảm bảo rằng hình ảnh của bạn phải xuất hiện một cách chuyên nghiệp, bóng bẩy và phù hợp với tổ chức mà bạn đang muốn gia nhập, bây giờ hoặc trong tương lai. Những người bên cạnh bạn như người hướng dẫn, bạn bè thân thiết sẽ cho bạn những phản hồi thật lòng về danh tiếng mà bạn đang xây dựng.

2. KHẢ NĂNG CÔNG NGHỆ

Sự chuyển đổi sang môi trường kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, và khả năng làm bạn với “máy móc” là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong 5 kỹ năng – Miller cho biết. “Công nghệ sẽ không mất đi đâu” – Ông nói. "Công nghệ thông tin từng chỉ là một phòng ban, nhưng bây giờ, công nghệ thông tin là cả thế giới”.

Bạn sẽ cần biết cách thức để tập hợp các đội ngũ bao gồm con người, máy móc và phần mềm thông minh, khiến tập hợp đó làm việc với nhau. Theo IFTF: “Trợ lý AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ đem lại sự tiện lợi và hiệu quả cao cho bạn, nhưng bạn sẽ cần phải biết phải làm thế nào để thu được nhiều hơn từ chúng, để hoàn thành được những việc mà bạn chưa bao giờ làm được trước đây.”

George Brough, Phó Chủ tịch của Caliper, một công ty cung cấp dịch vụ đánh giá nhân viên, cho biết rằng khả năng làm quen với công nghệ và máy móc chính là khả năng hoàn thành công việc. Theo ông: “Đó là khả năng hiểu về công cụ, hiểu cách sử dụng chúng, hiểu phải sử dụng công cụ nào trong trường hợp nào. Bạn có thể thu được kỹ năng này bằng cách học tập hoặc làm việc với những người hoặc những máy móc có điều mà bạn đang thiếu.”

3. MỘT NHÓM CHIẾN HỮU

Trong một nền kinh tế gig (kinh tế tạm thời) khuyến khích sự hợp tác như hiện nay, việc có một nhóm chiến hữu trở nên vô cùng quan trọng. Để trở nên thành công trong xây dựng sự nghiệp và giữ sự ổn định về tài chính, chìa khóa chính là mạng lưới quan hệ cá nhân. Nhiều trường hợp thực tế đã chứng minh rằng networking là cách hiệu quả nhất để có được một công việc mới hoặc một vị trí mới.

Hãy dành thời gian để xây dựng và bồi đắp những mối quan hệ của mình trong suốt sự nghiệp. Điều này sẽ mang đế cho bạn nhiều cơ hội khi cần thay đổi công việc.

4. LINH HOẠT TRƯỚC SỰ THAY ĐỔI

Khả năng dễ thích ứng sẽ giúp bạn không bị đánh gục trước thay đổi. Theo Miller: “Bạn sẽ phải tiếp nhận những kỹ năng mới mà bạn cần. Bạn cần phải cảm thấy thoải mái trước sự thay đổi và sẵn sàng chủ động phát triển những kỹ năng mới.”

Sự linh hoạt sẽ giúp bạn có những cơ hội để phát triển, theo Bonnie Hagemann, CEO của Executive Development Associates, một công ty tư vấn phát triển nhân lực. Bà cho biết: “Những cơ hội phát triển tốt nhất có thể nằm ở một vị trí khác hoặc một dự án khác. Đôi khi, việc học một kỹ năng mới là một bước lùi để tiến lên lần nữa. Hãy nhìn nhận sự nghiệp như một hình mắt lưới chứ không phải hình bậc thang.”

5. KHÓ NẢN LÒNG

Theo Charlotte Westerhaus-Renfrow, Phó Giáo sư về Quản lý và Luật kinh doanh tại Indiana University Kelley School of Business, trong đời sống cá nhân, khó nản lòng thường gắn với việc vượt qua những vấn đề và trở ngại. Tuy nhiên, trong công việc, sự khó nản lòng lại có thể giúp bạn chuyển những trở ngại thành giải pháp và cơ hội. Bà cho biết: “Những nhân viên có khả năng này là vô giá vì họ là những người thúc đẩy văn hóa đổi mới trong doanh nghiệp. Nếu không có những người này, các công ty sẽ khó lòng thay đổi, vì vậy sẽ khó lòng thành công.”

Một trong những cách tốt nhất để tăng cường khả năng khó nản lòng là tránh để những thứ tiêu cực lấn át những sự tích cực trong mọi trường hợp. Bà Westerhaus-Renfrow cũng cho biết: “Hãy bao quanh bạn bằng những người có tính khó nản lòng và tìm đến họ để nhờ giúp đỡ, hướng dẫn. Những người có tính khó nản lòng thường sẽ không ngại truyền cảm hứng và giúp cho người khác xây dựng đức tính này.”

Tính khó nản lòng là đặc điểm tính cách quan trọng nhất cho tất cả mọi người, trong mọi ngành nghề, bà Lasater nói. Cũng theo bà, “Những điều bất lợi, trục trặc trong công việc và vấn đề cá nhân sẽ lấn át và dễ làm bạn phân tâm, nhưng những người không gục ngã trước khó khăn chính là những người làm được điều kỳ diệu. Không có đường tắt trong việc này, nếu bạn thực sự muốn điều gì, bạn phải cố gắng để vươn đến nó.”

Tác giả: Stephanie Vozza, đăng trên Fast Company.