5 thất bại về thương hiệu “đau” nhất của năm 2017: Đừng quảng cáo trên nỗi đau của người khác! – Học viện Doanh nhân MVV Academy

5 thất bại về thương hiệu "đau" nhất của năm 2017: Đừng quảng cáo trên nỗi đau của người khác!

May 04, 2018

Đã bao giờ bạn xem một mẫu quảng cáo và tự hỏi rằng “ý tưởng như vậy mà cũng duyệt được” chưa? Một năm nữa lại sắp trôi qua, hãy cùng chúng tôi xem lại 5 trong số những thất bại truyền thông “đau đớn” nhất trong năm qua nhé.

1. PEPSI

Các thương hiệu đều muốn có những chiến dịch đi vào lịch sử, Pepsi chắc chắn đã làm được điều đó với “Live for Now” – một clip quảng cáo dài 2 phút rưỡi với sự tham gia của Kendall Jenner, một trong những hot girl đình đám nhất hiện nay. Nhưng rất tiếc là không phải theo cách tích cực.

Quảng cáo thể hiện cảnh Kendall Jenner đang tạo dáng chụp ảnh thì dừng lại để tham gia vào một cuộc biểu tình, sau đó kết thúc cuộc biểu tình bằng cách trao cho viên cảnh sát một lon Pepsi.

Có quá nhiều thứ khó hiểu trong quảng cáo này và thực sự là khó mà phân tích hết được trong một bài viết. Tuy nhiên, hãy tập trung vào lý do tại sao quảng cáo này lại gặp nhiều phản ứng tiêu cực như vậy.

Quảng cáo được phát sóng vào đầu tháng 4 năm 2017, khi mà trên khắp nước Mỹ, ngọn lửa biểu tình đang nóng hơn bao giờ hết. Những cuộc biểu tình nổi bật trong đó phải kể đến phong trào “Women’s March” vào tháng 1, phong trào biểu tình chống lại sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump và đặc biệt là phong trào#BlackLivesMatter, làn sóng chống lại sự phân biệt chủng tộc nổ ra sau khi Trayvon Martin, một người Mỹ gốc Phi, bị sát hại bởi một cảnh vệ da trắng.

Thay vì trở thành bệ phóng cho quảng cáo, bối cảnh trên đã khiến cho ngọn lửa phản đối bùng lên. Thêm vào đó, Kendall Jenner, một người mẫu da trắng, cũng là một gương mặt không được lòng nhiều người. Một số cho rằng, việc Pepsi ngụ ý mâu thuẫn chủng tộc có thể giải quyết bằng một lon Pepsi là nực cười.

Bài học rút ra: Bà Feminista Jones, một nhà văn đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội, bình luận về quảng cáo của Pepsi như sau: “Các thương hiệu tuyệt đối không nên lợi dụng những vấn đề xã hội liên quan đến nỗi đau khổ của người khác. Thay vào đó, nên tập trung vào những cách mà không cần phải khai thác nỗi đau của những con người bên lề xã hội”.

2. DOVE

Tháng 10 vừa qua, Dove đã đăng tải một quảng cáo trên mạng xã hội, trong đó thể hiện hình ảnh một người phụ nữ gốc Phi cởi một chiếc áo cùng màu với màu da của cô ấy để… hóa thành một người phụ nữ da trắng. Không có gì khó hiểu, quảng cáo ngay lập tức đã gặp phải vô số chỉ trích nặng nề vì cách thể hiện dễ liên tưởng đến sự phân biệt chủng tộc. Một số người còn liên hệ mẫu quảng cáo trênvới những poster quảng cáo xà phòng thời Victoria.

Ngay sau đó, Dove đã thu hồi quảng cáo trên và xin lỗi. Lola Ogunyemi, người mẫu da màu góp mặt trong mẫu quảng cáo cho biết, đây chỉ là một đoạn trong một clip quảng cáo dài và nếu khán giả được xem phiên bản đầy đủ của nó, thông điệp của Dove sẽ rõ hơn.

Bài học rút ra: Đừng tạo ra một quảng cáo có thể dễ dàng gây hiểu lầm khi được tách ra khỏi ngữ cảnh của nó, đặc biệt là khi nó có thể khiến người ta liên tưởng đến vấn đề chủng tộc.

3. UBER

Uber đang đắm chìm trong khủng hoảng với hàng loạt những thất bại về truyền thông.

Đầu năm nay, Uber xuất hiện trên các mặt báo khi không có phản ứng gì đối với sắc lệnh cấm người Hồi giáo của Tổng thống Trump, trong khi các công ty tương tự như Airbnb, Lyft công khai lên tiếng phản đối và tổ chức bãi công. Tháng sau đó, một cựu kỹ sư của Uber đã công bố chi tiết về những vụ quấy rối mà cô đã gặp phải khi làm việc tại công ty này. Cũng trong tháng này, một video mắng nhiếc tài xế của ông Travis Kalanick, lúc đó đang là CEO của Uber, đã được lan truyền trên mạng. Tiếp theo đó, Jeff Jones, chủ tịch của Uber, đã từ chức vì “không phù hợp với lý tưởng và cách lãnh đạo của Uber”.

Vào tháng 6, Travis Kalanick chính thức rời khỏi ghế CEO của Uber. Từ đó đến nay, danh tiếng của hãng vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ được phục hồi.

Bài học rút ra: Thời nay, công chúng chỉ ủng hộ những công ty có cùng lý tưởng với họ, và cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra.

4. FACEBOOK

Có thể CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, đã hy vọng rằng nếu như cho khách hàng sử dụng ứng dụng Facebook Spaces VR để tham quan vùng chịu thiệt hại sau thiên tai tại Puerto Rico thì họ sẽ muốn sử dụng ứng dụng này hơn.

Một số người dùng đã ghi lại khoảnh khắc Mark Zuckerberg (thực tế ảo) thực hiện hành động đập tay (high five) giữa bối cảnh là vùng đất đang chịu ngập lụt của Puerto Rico. Nỗ lực quảng bá này của Facebook được nhiều người cho là vô cảm và cố gắng thu lợi trên nỗi đau của người khác.

Bài học rút ra: Hãy nhìn nhận sản phẩm truyền thông của bạn từ nhiều phương diện. Trong đội ngũ của bạn nên có những người sẵn sàng đứng ra để cảnh báo về những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra, nhất là khi đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm như thiên tai.

5. MCDONALD’S

Vào tháng 5, McDonald’s đã phát sóng một quảng cáo dài 90 giây với tựa đề “Dad”, kể về câu chuyện một cậu bé mất cha từ nhỏ và không có một ký ức nào về ông. Cậu hỏi mẹ mình về cha, hy vọng rằng mình sẽ ít nhiều giống với ông ấy ở điểm nào đó. Nhưng không, cậu không giống cha mình ở điểm nào cả, ngoại trừ một việc là cả hai người đều thích món burger nhân cá của McDonald’s.

Sau khi nhận lấy làn sóng chỉ trích trên mạng, McDonald’s đã ngưng phát sóng mẫu quảng cáo, xin lỗi và cam kết sẽ xem xét lại quy trình sáng tạo để ngăn những lỗi như vậy xảy ra lần nữa.

Dù sao đi nữa… lý do McDonald’s dùng nỗi đau mất mát của người khác để bán bánh burger sẽ mãi mãi là một bí ẩn.

Bài học rút ra: Một lần nữa, đừng khai thác nỗi đau của người khác để quảng cáo. Tuyệt đối đừng.

Nguồn tham khảo: Adweek.com