Derrick Fung: Làm kinh doanh giống như lái phi cơ – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Derrick Fung: Làm kinh doanh giống như lái phi cơ

May 04, 2018

"Tôi thường được đặt câu hỏi “Khi anh tự mở một công ty mới thì cảm giác như thế nào?”. Và tôi thường trả lời rằng: “Giống như bạn đang nhảy khỏi vách đá và phải tự chế tạo một chiếc phi cơ trong lúc đang rơi ấy” - Derrick Fung, Top 30 Under 30 của Forbes, đồng thời là doanh nhân, nhà đầu tư, tác giả sách, chia sẻ.

Derrick Fung, CEO, Drop.

Khởi nghiệp không phải là việc dễ dàng. Nhiều người sợ thất bại nên quyết định không thực hiện bước đầu tiên – tự tạo ra lòng tin. Bỏ một công việc ổn định theo giờ hành chính để tiến bước vào vùng mạo hiểm là một quyết định khó. Mọi thứ càng trở nên khó hơn khi bạn đang phải gánh các khoản thế chấp, trả nợ mua xe, nuôi vợ con và các trách nhiệm khác.

Nhưng nếu bạn quyết tâm thì cứ dũng cảm tiến lên, tiến vào vùng đất đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thử thách. Vài người sẽ thành công (hãy nhìn cuộc sống của cha đẻ Instagram sau khi được Facebook mua lại thì sẽ rõ), nhưng nhiều người (có lẽ là đa số) sẽ thất bại, học được vài thứ và hy vọng vẫn còn chút động lực để thử sức lại.

Vậy tại sao con người lại so sánh việc xây dựng công ty với việc nhảy xuống từ vách đá và chế tạo phi cơ. Đầu tiên, hãy thẳng thắn với nhau rằng những người khởi nghiệp không rơi khỏi vách đá mà họ nhảy. Đó là quyết định của họ. Họ tính toán các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện cú nhảy và họ nhảy thôi. Họ không do dự. Họ có tầm nhìn và sẽ làm mọi thứ trong khả năng để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Khi họ thực hiện cú nhảy, hành trình mới bắt đầu. 90% doanh nghiệp chạm đất và thất bại trước khi họ lắp xong máy bay và cất cánh vươn lên. Tại sao? Vì xây dựng một doanh nghiệp vững vàng rất khó khăn. Phải làm đúng hàng trăm thứ và phải đúng cùng lúc để máy bay thực sự cất cánh.

Vào đầu những năm 1900, anh em nhà Wright quyết định rằng nếu họ tìm được cách để “bay lên”, cả thế giới sẽ thay đổi và tốt lên. Mọi thứ hiển nhiên đều gây bất lợi cho họ. Họ không có tiền, danh tiếng hay chuyên môn như người ta. Tuy nhiên, họ có sự kiên trì và niềm đam mê bất diệt, không như những người khác. Và chính vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, họ đã đưa con người bay vào không gian với một chiếc máy bay thô sơ.

Cũng giống như việc “bay lên”, khi bạn thành lập công ty, có hàng triệu thứ cần làm để công ty bạn cất cánh:

Phi công: Phi công có nhiệm vụ hướng dẫn và điều khiển máy bay. Để trở thành phi công cho hãng máy bay thương mại, bạn cần phải tích lũy ít nhất 1.500 giờ bay. Lái máy bay không hề dễ. Cần rất nhiều kỹ năng và độ chính xác để làm việc đó. Phi công giúp máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn. Khi phi công mất kiểm soát, máy bay sẽ gặp tai nạn. Trong kinh doanh, phi công chính là những nhà sáng lập. Họ thấy được những gì sắp đến và bẻ lái để tránh nguy hiểm. Họ hiểu mọi thứ đang diễn ra trong doanh nghiệp và phải đưa ra quyết định đúng đắn để máy bay đến được đích. Máy bay càng lớn thì càng cần nhiều phi công (cơ trưởng, cơ phó…). Trong công ty, đôi khi cần có nhiều nhà sáng lập với background khác nhau để giúp định hướng kinh doanh vì điều hành công ty thật sự rất khó khăn.

Cánh: Cánh là những cái vây với bề mặt tạo sức nâng máy bay. Để máy bay bay lên được thì nhất thiết phải có cánh. Cánh càng có thiết kế khí động học, máy bay càng có khả năng bay nhanh và nhẹ hơn. Trong kinh doanh, ý tưởng của bạn chính là cánh. Ý tưởng càng tốt, công ty càng lên nhanh và cao. Không có ý tưởng vững vàng, công ty không thể bay lên. Dù vậy, máy bay có thể cất cánh chỉ với đôi cánh không? Câu trả lời là không. Tương tự, có thể kinh doanh chỉ với ý tưởng? Không. Giống như máy bay, ý tưởng cần hài hòa với những phần còn lại thì mới có thể tạo ra thành công. Nói cách khác, kể cả khi bạn có ý tưởng lớn nhưng thực hiện kém, công ty có thể sẽ không thành công.

Nhiên liệu: Để máy bay có thể bay, cần một thứ để đẩy nó về phía trước – đó là động cơ. Nhưng để động cơ hoạt động thì cần nhiên liệu. Trong kinh doanh, nhiên liệu là tiền. Có ai đó nói rằng: “Tiền là Vua”. Lý do đầu tiên hầu hết các công việc kinh doanh thất bại là do cạn kiệt nguồn tiền. Kinh doanh có thể có được tiền từ người thành lập, khách hàng hay các nhà đầu tư. Tiền bạc quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp cũng như nhiên liệu là yếu tố then chốt để máy bay có thể bay. Nếu một chiếc máy bay sử dụng hết nhiên liệu trước khi nó hạ cánh tới đích đến cuối cùng, nó sẽ rơi thẳng xuống đất và vỡ tan tành. Kinh doanh cũng không khác gì hết.

Động cơ: Động cơ trên máy bay là hệ thống chuyển động cung cấp cho máy bay sức mạnh cơ khí thông qua việc đốt cháy nhiên liệu. Không có động cơ, máy bay không thể bay.

Trong kinh doanh, marketing là động cơ. Doanh nghiệp bơm tiền vào marketing để tạo ra nhận thức về sản phẩm và dịch vụ đang kinh doanh. Liệu người ta có dùng Facebook không nếu chẳng ai biết nó là gì? Cạm bẫy thông thường trong kinh doanh là không ai biết đến ta. Các doanh nghiệp thành công biết cách thực hiện các chiến lược marketing hiệu quả để sản phẩm hay dịch vụ đến được tay người tiêu dùng.

Phi hành đoàn: Cả đội ngũ phi hành đoàn trên máy bay và dưới mặt đất đều chịu trách nhiệm cho việc máy bay vận hành tốt và sự đảm bảo an toàn cho hành khách trên máy bay. Họ cần phải hiểu cách thức máy bay hoạt động và phối hợp với phi công để đảm bảo máy bay có thể từ điểm A tới điểm B an toàn. Trong một công ty, phi hành đoàn chính là đội ngũ nhân viên. Có nhiều tranh luận cho rằng doanh nghiệp thành công do yếu tố con người. Nếu không có những nhân viên phù hợp, doanh nghiệp có thể sẽ không nhận ra tầm nhìn của các nhà sáng lập. Các nhân viên làm việc từ ngày này qua ngày khác để đảm bảo doanh nghiệp tạo ra tiền và khách hàng cảm thấy vui vẻ. Trên máy bay, các quy trình nghiêm ngặt được đề ra để đảm bảo phi hành đoàn luôn ở trong điều kiện tốt nhất để phục vụ hành khách. Doanh nghiệp cũng phải tốn rất nhiều công sức để đảm bảo rằng họ tuyển đúng người cho mỗi vị trí công việc.

Thân máy bay: Thân máy bay là bộ phận thân chính giữ mọi thứ lại với nhau. Thân phải rất chắc chắn để bảo vệ mọi người bên trong khỏi nhiệt độ lạnh giá và không khí không ổn định bên ngoài. Trong doanh nghiệp, văn hóa là thân máy bay. Nó gắn kết toàn bộ công ty lại với nhau. Nếu được phát triển đúng cách, văn hóa sẽ khuyến khích nhân viên làm việc chăm chỉ, chấp nhận mạo hiểm (đã được tính toán), tận tâm, và cuối cùng sẽ dẫn đến thành công. Nhiều công ty nổi tiếng với văn hóa của họ. Thực tế thì, nhiều doanh nghiệp cho rằng văn hóa công ty chính là lợi thế cạnh tranh của họ (ví dụ như Zappos). Văn hóa của một công ty bao gồm cả những quy định bất thành văn có ảnh hưởng đến việc ra quyết định và vận hành công ty.

Hành khách: Máy bay được dùng để chở người và hàng hóa. Đấy gọi là hàng không thương mại. Các hãng hàng không phải đảm bảo hành khách luôn cảm thấy hài lòng và an toàn. Khi bạn điều hành công ty, hành khách chính là khách hàng của bạn. Họ bay cùng bạn vì họ chọn bạn. Doanh nghiệp cần giữ sự thoải mái cho khách hàng trong mọi thời điểm. Nếu hành khách của bạn đói, hãy cho họ ăn. Nếu họ không cảm thấy an toàn, hãy làm họ thoải mái. Nếu họ hỏi, hãy trả lời.

Bạn có sợ bay không?

Có lẽ hiện giờ bạn đang nghĩ trong đầu: “Wow, có quá nhiều thứ cần phải làm ngay lập tức để chuyến bay có thể khởi hành”. Tương tự: “Wow, có quá nhiều thứ cần làm để điều hành kinh doanh thành công” Đó là sự thật.

Nhiều người rất sợ bay. Không có gì là chắc chắn hết. Những tiếng động kỳ dị. Sự kiểm soát. Những câu chuyện đáng sợ (như vụ Chuyến bay 214 hãng Asiana gặp nạn vào tháng 7/2013). Nỗi sợ độ cao. Để vượt qua, con người phải hiểu rõ cách vận hành một chuyến bay. Họ cố gắng kiếm ra lý do hợp lý hóa để nhìn nhận rằng máy bay thật sự an toàn hơn cả xe hơi.

Cũng giống vậy, nhiều người sợ khởi nghiệp. Sợ những gì mình không biết, hết tiền, thất bại, thiếu tự tin. Liệu mọi người sinh ra đều có thể trở thành doanh nhân? Có lẽ là không. Làm cách nào bạn đối phó những nỗi sợ này? Bằng việc xử lý trước mọi thứ. Bằng việc tự nói với bản thân rằng cuộc đời này rất ngắn ngủi. Thay vì sống trong hối tiếc thì cứ thử và thất bại đi.

Nếu anh em nhà Wright không mạo hiểm cuộc sống của họ 100 năm trước, chúng ta vẫn còn dán chặt chân trên mặt đất và không ai trong chúng ta có khám phá thế giới hết Vậy bạn còn chờ gì nữa. Hãy chế tạo máy bay của bạn và làm cho nó bay thật cao đi nào."

Nguồn: Bài viết của Derrick Fung trên Quora.

Xem thêm: Chương trình huấn luyện Quản trị Kinh doanh Thông minh iCEO