HLV Lê Hà Mai Thảo chia sẻ 4 lý do khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp – Học viện Doanh nhân MVV Academy

HLV Lê Hà Mai Thảo chia sẻ 4 lý do khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp

Jul 02, 2018

Chúng ta đều biết rằng con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Các nhà quản lý luôn hy vọng rằng nhân viên giỏi sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay, điều đó là không hề dễ. Trước khi nghiên cứu về cách thức gìn giữ người tài, chúng ta cần biết đâu là những nguyên nhân khiến cho nhân viên rời bỏ doanh nghiệp.

Đó là cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, MVV Coaching đã phỏng vấn HLV Lê Hà Mai Thảo, chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm về quản trị nguồn nhân lực. Theo Bà, có 4 lý do quan trọng khiến nhân viên không thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Điều đầu tiên khiến nhân viên muốn “rời bỏ cuộc chơi” chính là môi trường làm việc căng thẳng – mà sự căng thẳng này thường xuất phát từ người quản lý! Bạn thử hình dung nếu phải “phò” một vị sếp không có kế hoạch công việc rõ ràng, đụng đâu sai đó khiến nhân viên phải làm việc thêm thời gian thường xuyên nhưng lại thiếu sự giám sát đúng mực để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh cho nhân viên, rồi suốt ngày yêu cầu nhân viên phải làm báo cáo này,gửi số liệu nọ… Tệ hơn nữa, nếu gặp người sếp với tính cách thích quát tháo, la mắng nhân viên trước mặt nhiều người, thích “lôi” nhân viên vào những cuộc họp liên miên nhưng không giải quyết được việc gì thấu đáo… thì quả thật nhân viên không sớm thì muộn cũng mệt mỏi mà ra đi.

Bên cạnh đó, chính sách nhân sự của công ty không rõ ràng và thiếu tính cạnh tranh cũng là những yếu tố khiến nhân viên khó lâu bền. Không biết doanh nghiệp quản trị theo sự thuận tiện và mang tính “xin cho” nên tình trạng nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc mà không có một chính sách hỗ trợ nào nào cụ thể/công khai, gây ra việc nhiên viên ca thán là hiện tượng phổ biến. Cũng nhiều doanh nghiệp không có “thước đo” năng lực và thành tích công tác rõ ràng nên dễ dẫn đến cơ chế ‘cào bằng” trong việc xét lương/ tính thưởng sẽ làm nhân viên trở nên bất mãn, mất động lực và có khi còn tệ hơn nữa là đố kị lẫn nhau.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu tổ chức quá thường xuyên/việc doanh nghiệp thiếu minh bạch trong quản lý lẫn trong việc thực hiện lộ trình thăng tiến nghề nghiệp của nhân viên cũng sẽ khiến nhân viên cảm thấy bất ổn và từ đó họ muốn ra đi tìm “bến đậu” mới cho riêng mình. Lộ trình nghề nghiệp chính là sự cam kết của doanh nghiệp đối với người lao động về tương lai của họ khi gắn kết cùng doanh nghiệp; đồng thời giúp cho nguời lao động biết rõ mình đang ở đâu trong sự nghiệp của chính mình và so sánh với những ai trong tổ chức, từ đó họ sẽ muốn ổn định và nỗ lực khẳng định bản thân.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là Tầm nhìn, Giá trị cối lõi và Chiến lược hoạt động của doanh nghiệp! Một khi có công ty có tầm nhìn cụ thể, có chiến lược rõ ràng và kiên định với những giá trị cốt lõi của mình thì người lao động cũng sẽ có niềm tin mạnh mẽ hơn vào sự bền vững của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu công ty không hoạch định được các yếu tố vĩ mô đó thì tỉ lệ biến động nhân sự cao cũng là điều dễ hiểu.

-------------------------------

Đôi nét về chuyên gia Lê Hà Mai Thảo, Huấn luyện viên khóa học Xây dựng lộ trình nghề nghiệp

Huấn luyện viên Lê Hà Mai Thảo là chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực với gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành. Bà từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân sự Tập đoàn TTC / Phó Tổng giám đốc Nguồn nhân lực Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công.

Bà còn từng giữ chức vụ Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực / Giám đốc Nhân sự tại các công ty: Hùng Hậu Corp., S-Fone / S-Telecom JVC, Nguyễn Kim Corp.

Chi tiết về khóa học Xây dựng lộ trình nghề nghiệp có thể xem thêm tại ĐÂY