Minerva, dự án tham vọng trở thành Ivy League mới liệu có thay đổi đươc giáo dục đại học? – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Minerva, dự án tham vọng trở thành Ivy League mới liệu có thay đổi đươc giáo dục đại học?

Jul 06, 2018

Các sinh viên khóa đầu tiên của dự án Minerva.

Trường đại học này không có giảng đường, không có nhóm tranh luận, không đội thể thao, không câu lạc bộ. Thay vào đó, 33 sinh viên được chọn cho chương trình Minerva sẽ đi vòng quanh thế giới và thay đổi diện mạo của giáo dục đại học.

Silicon Valley từ lâu đã được biết đến với “mối thù” dành cho giáo dục đại học. Dù nhiều “ngôi sao” sáng giá trong ngành công nghệ đã bước ra từ các đại học danh giá như Stanford hay Havard, nhiều người lại cảm thấy tự hào hơn vì đã bỏ học giữa chừng để theo đuổi đam mê khởi nghiệp, bao gồm Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Bill Gates. Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, còn ghét giáo dục bậc đại học đến mức lập ra hẳn một quỹ để trao học bổng 100,000 USD / năm cho những sinh viên bỏ học để khởi nghiệp.

Ben Nelson, 38 tuổi, nguyên CEO của công ty Snapfish, cũng không tin tưởng lắm vào nền giáo dục bậc đại học cổ điển của Hoa Kỳ. Ông cho biết: “Quá nhiều thời gian ở bậc đại học được dành cho những kiến thức phổ biến, mà ai cũng có thể học được một cách tự do. Quá nhiều tiền được dành để chi trả những khoản phí không liên quan đến hiệu quả học tập của sinh viên, ví dụ như khuôn viên trường sang trọng và các chương trình thể thao. Họ tập trung quá ít vào việc thực sự giáo dục sinh viên – và quá nhiều vào việc giữ công việc của họ ổn định.”

Ông tin rằng hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ đang bị lỗi, tuy nhiên vẫn có thể sửa được. Nelson đã có một cách tiếp cận cấp tiến hơn so với Thiel: Tự mình xây dựng nên một trường đại học riêng. Dự án Minerva, với 33 sinh viên, được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào mùa thu năm nay (2018), và hầu như khác biệt hoàn toàn với giáo dục đại học truyền thống. Với người bắt đầu, sẽ không có bài giảng, tất cả chương trình học được truyền tải thông qua những hội thảo chuyên có tính tương tác cao, trong đó nhiều chương trình được giảng dạy qua hệ thống hội nghị trực tuyến riêng của Minerva.

Sau năm đầu học tại California, nhóm sinh viên sẽ được chia thành nhiều nhóm để học 6 học kỳ còn lại (tổng cộng 3 năm) xoay chuyển liên tục tại 6 thành phố Buenos Aires, Berlin, Hong Kong, London, New York và Mumbai. Dù họ không được hưởng những niềm vui của trường đại học bình thường - như câu lạc bộ, đội thể thao, nhóm tranh luận – những sinh viên của dự án Minerva sẽ “được sống tại những thành phố tuyệt vời nhất hành tinh”, theo Nelson.

Giới thiệu dự án như là “trường đại học ưu tú đầu tiên được mở tại Hoa Kỳ trong vòng 1 thế kỷ”, nhà sáng lập của Minerva cho biết giáo trình của chương trình được “thiết kế để đào tạo ra những người sẽ xây dựng hoặc vận hành những học viện lớn của thế giới. Chúng tôi không biết, cũng như không cần biết cách thức để dạy bạn trở thành một nha sỹ hay một kế toán thuế giỏi hơn. Chúng tôi cải tiến việc đào tạo để dạy bạn cách suy nghĩ, sáng tạo, giao tiếp hiệu quả - và lãnh đạo.”

Tham vọng của Nelson không chỉ là tạo ra một mô hình mới cho giáo dục đại học, mà còn là tạo ra một trường đại học cạnh tranh với Ivy League. “Mục tiêu chủ yếu của chúng tôi là gây ảnh hưởng làm thay đổi giáo dục đại học trên quy mô toàn cầu” – ông cho biết. “Cách duy nhất để làm điều đó là hướng đến đỉnh cao. Sẽ chẳng ai quan tâm nếu bạn tạo ra một trường đại học toàn toàn ổn và làm mọi thứ một cách khác biệt. Với giáo dục đại học và cao hơn, mọi người đều nhìn lên trên.”

Giáo sư A C Grayling, người từng rời khỏi vị trí giảng viên tại Birkbeck, trường đại học của London vào năm 2011 để lập ra một trường đại học độc lập – New College of the Humanities – đã bình luận rằng ý tưởng của Nelson là một sự bổ sung đáng hoan nghênh đối với nền giáo dục đại học. “Dịch vụ giáo dục dành cho tầng lớp trung lưu của thế giới đã phát triển nhanh chóng trong vòng một thế kỷ qua, trong khi giáo dục cao cấp hơn hầu như vẫn giữ nguyên” – ông Grayling giải thích. “Nhu cầu dành cho giáo dục chất lượng cao, hiện đại đang rất lớn và thế giới đang rất cần những học viện tiên tiến.”

Theo ông Grayling, Minerva đã “khiến mọi người tập trung vào đối tượng thực sự quan trọng: Sinh viên. Điều này được xác nhận dựa trên ý tưởng chúng ta là một thế giới chung, và dựa trên việc chuẩn bị để con người đối phó với một thế kỷ vô cùng phức tạp.”

Nelson đến từ một gia đình có truyền thống học thuật: Thân sinh của ông đều là nhà khoa học; một trong các chị em gái của ông là sử gia về nghệ thuật, người còn lại có bằng PhD từ trường kinh doanh Stanford. Dù quyết định không bước theo con đường học thuật, ông đã trở nên ám ảnh với những lỗ hổng trong hệ thống giáo dục hiện đại khi tham gia khóa học về lịch sử các trường đại học trong chương trình học của ông tại Đại học Pennsylvania. Ở vị trí chủ tịch của hội sinh viên trường đại học này, ông đã dành thời gian theo học tại đây để cố gắng thay đổi giáo trình của trường. “Tôi đã nhận được nhiều feedback tích cực cho các ý tưởng của mình, nhưng ngay sau đó họ bảo tôi rằng những ý tưởng này sẽ không bao giờ được đưa vào ứng dụng” – ông hồi tưởng.

Khá thất vọng, ông rời nơi đây để đến Bờ Tây, nơi ông đã dành 10 năm để làm việc tại Snapfish, trong đó có 5 năm ở vị trí CEO. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã phát triển thành nhà dẫn đầu trong một thị trường đông đúc, sau đó được mua lại bởi Hewlett-Packard vào năm 2005 với mức giá được cho là 300 triệu USD. Khi ông rời công ty vào năm 2010, Nelson đã cảm thấy có đủ tự tin để xây dựng nên một mô hình trường đại học kiểu mới – với cách thức giống như một công ty khởi nghiệp về công nghệ. Hai năm sau, Dự án Minerva đã gọi vốn được 25 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark của Silicon Valley.

Trong khi đó, Nelson đã thuyết phục Giáo sư Stephen Kosslyn, nguyên Trưởng khoa ngành Khoa học Xã hội của Havard, tham gia vào hội đồng sáng lập của Minerva. Với sự hỗ trợ của Giáo sư Kosslyn, ông đã tập hợp được một đội ngũ giảng viên “đáng gờm” cho 5 chủ đề chính mà các sinh viên của Minerva sẽ được trao bằng BA hoặc BSc: khoa học tự nhiên, khoa học máy tính, khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn, kinh doanh.

Mức học phí thường niên của sinh viên Minerva được đặt ở mức 10,000 USD, chỉ bằng một phần của mức phí thông thường tại Stanford hay Havard – khoảng 44,000 USD. Một phần ba sinh viên thế hệ đầu tiên tại Minerva cũng được nhận hỗ trợ dưới hình thức học bổng và khoản vay. Nelson cho rằng học viện sẽ có thể duy trì mà không cần những khoản đầu tư lớn hơn, khi nó thu hút được đủ sinh viên – ông đang nhắm đến việc xây dựng nên một đội ngũ sinh viên tầm cỡ như một trường Ivy League – khoảng từ 7,000 đến 10,000 sinh viên.

“Chúng tôi có thể mang đến chất lượng giáo dục cao hơn với mức phí chỉ bằng một phần tư chi phí của một trường đại học truyền thống, vì chúng tôi bỏ qua tất cả những chi phí không mang đến lợi ích cho sinh viên,” ông nói.

Dự án đã nhận được gần 2,500 đơn đăng ký cho khóa đầu tiên, và Nelson khẳng định rằng các học viên đã được chọn hoàn toàn là vì họ xứng đáng. 33 sinh viên sẽ học tại California trong vài tháng tới đến từ 13 quốc gia và 5 châu lục khác nhau. Chỉ 20% là người Mỹ. Gần hai phần ba là nữ giới. Dù phần lớn sẽ đến trực tiếp từ trường cấp ba, nhiều sinh viên trong số này đã bỏ học tại các đại học danh giá để chuyển sang Minerva.

“Họ là những đứa trẻ đặc biệt,” Nelson nói. “Chúng tôi đặt tiêu chuẩn cực kỳ cao: Những sinh viên không được nhận bởi Minerva vẫn có thể ghi tên vào những nơi như Havard hay Cambridge. Ban đầu chúng tôi đã nhận 69 ứng viên và kỳ vọng sẽ thu được 15 đến 19 sinh viên, nhưng cuối cùng gần một nửa đã được ghi danh. Tỷ lệ này cao hơn 5 trong số 8 trường Ivy League, và khó gấp đôi Havard.”

TỪ GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN

Viết bởi Kayla Human

Kayla Human, một trong 33 sinh viên đầu tiên của Dự án Minerva.

Bạn tôi đã bất ngờ khi tôi nói với họ rằng tôi sẽ học đại học. Họ ít ngạc nhiên hơn khi tôi nói với họ tôi là người đầu tiên đồng ý nhập học tại ngôi trường này.

Tham gia vào một dự án đào tạo thử nghiệm có vẻ không thực tế, đặc biệt là một chương trình kéo dài từ San Francisco, Berlin, Buenos Aires, Hong Kong, Mumbai, London và New York. Thật khó để mô tả điều tôi sẽ làm và điều đã dẫn đến cơ hội bất ngờ này. Toàn bộ 33 thành viên của khóa đầu tiên có vẻ như đều đã thương lượng và tin rằng Minerva thực sự tiềm năng nhưng không chắc chắn thực tế nó sẽ như thế nào.

Tôi không tự kiêu, nhưng có những khía cạnh của Minerva làm tôi không đồng ý, ví dụ như việc nó tập trung vào việc tự học / dạy lẫn nhau và việc những buổi hội thảo sẽ được tổ chức trên môi trường ảo. Phần lớn những người tôi đã hỏi ý kiến tỏ ra nghi ngờ về phương pháp giảng dạy lạ thường của Minerva, và tất nhiên cha mẹ tôi cũng có những nỗi lo của họ. Vậy tại sao tôi lại chọn Minerva làm trường đại học duy nhất để ghi danh?

Hệ thống giáo dục của chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần phải tách nó ra khỏi những lợi ích quốc gia và bắt đầu tôn trọng quyền được phát triển như những người có tư duy độc lập của những người trẻ. Lúc 17 tuổi, tôi đã rất thất vọng về trường học và đã nghỉ để học tập tại một môi trường ít áp bức hơn – dùng London như phòng học của mình. Tôi cảm thấy không hứng thú với việc ghi danh vào các trường đại học thuộc Russell Group vì hoài nghi sự bảo thủ ngầm của họ. Chắc chắn, những học viện đứng đầu cho kiến thức của nhân loại cần phải cập nhật chính mình, dựa theo những nghiên cứu mà họ thực hiện. Có cả một nhánh nghiên cứu học thuật tập trung vào ngành khoa học học tập, những điều hầu như vẫn chưa được ứng dụng.

Đây chính là lời hứa của Minerva – một ngôi trường hiện đại, không chỉ trong việc ứng dụng công nghệ để phát huy toàn bộ tiềm năng sư phạm, mà còn trong tư duy của họ về việc nhìn nhận con người như những công dân toàn cầu, khuyến khích người học vượt qua những giới hạn về biên giới quốc gia. Việc tham gia vào Minerva chính là đóng góp vào phong trào hướng đến sự thay đổi cấp tiến trong giáo dục. Tháng 9 này, tôi, trong số 33 sinh viên từ 13 quốc gia (một trong hai người đến từ Anh), sẽ đến San Francisco, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ là một nhóm rất hăng hái. Chúng tôi hiểu về trách nhiệm và đặc quyền của khóa đầu tiên tại Minerva, và chắc chắn sẽ quyết tâm thử thách nó, như cách mà chúng tôi cam kết với nhiệm vụ chung.”