Jun 28, 2018
Mô hình trường đào tạo qua dự án (project-based schools) là 1 trong 4 xu hướng mới, theo Stephane Kasriel, CEO, Upwork.
Như một thói quen, hàng ngày tôi đều dự liệu về những điều sẽ xảy ra cho công việc của chúng ta trong tương lai. Là cha của 4 đứa trẻ từ 4 đến 14 tuổi, đồng thời là một công dân của thế giới, tôi rất quan tâm đến tương lai của chúng ta.
Làm việc ở vai trò CEO của website freelancing Upwork, tôi đang chứng kiến những sự thay đổi to lớn đang diễn ra nhanh chóng trong thế giới kinh doanh. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), nơi tôi là một thành viên của Hội đồng Công việc Tương lai, Giới tính và Giáo dục (Council on the Future of Work, Gender and Education), chúng tôi đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về ảnh hưởng mà trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra đối với công việc trong tương lai, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc quản lý sự thay đổi. Chúng tôi thấy rằng khi nguồn nhân lực phát triển, chúng ta cần phải thoát khỏi những thói quen của thời kỷ nguyên công nghiệp để đảm bảo một tương lai năng suất và công bằng hơn.
Dựa trên những kinh nghiệm của tôi trong năm 2017, đây là 4 dự đoán của tôi về tương lai của việc làm:
1. AI VÀ NGƯỜI MÁY SẼ TẠO RA NHIỀU CÔNG VIỆC HƠN THAY VÌ GÂY RA THẤT NGHIỆP HÀNG LOẠT – MIỄN LÀ CHÚNG TA ĐỔI MỚI MỘT CÁCH CÓ TRÁCH NHIỆM
Chúng ta đang tranh luận ngày càng nhiều về chủ đề liệu trí tuệ nhân tạo có phát triển và chiếm lấy mọi thứ hay không. AI là “mối đe dọa sinh tồn lớn nhất” của nhân loại, theo nhà lãnh đạo công nghệ Elon Musk. Khoa học viễn tưởng cũng có nhiều tác phẩm về chủ đề máy móc “hạ bệ” con người. Tuy nhiên, niềm tin này không có cơ sở dựa trên lịch sử hay dữ liệu.
Theo tôi, AI sẽ không phải là thứ sẽ kết thúc công việc của chúng ta. Sau cùng, máy móc không tự tạo ra chúng. Tuy nhiên, chúng ta phải đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm. Điều này có nghĩa là mở ra những cánh cửa mới, không phải loại bỏ chúng.
Elon Musk không phải là người đầu tiên thể hiện nỗi sợ về “sự trỗi dậy của người máy”. Mọi thế hệ trước chúng ta đều đã từng sợ hãi trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ. Nhưng, cuối cùng thì tự động hóa lại tạo ra nhiều công việc hơn – không phải ít hơn – và tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi trong thời gian tới. Điều đó cũng có nghĩa là, một vài công việc sẽ biến mất, và không khó để xác định những công việc sẽ “ra đi”. Nhưng, sẽ khó hơn để xác định những công việc nào sẽ có nhu cầu lớn trong 30 năm tới.
Như vậy, tôi dự đoán rằng sẽ không xảy ra thiếu hụt về công việc trong tương lai, mà chỉ có thiếu kỹ năng phù hợp cho công việc. Trong 2018, chúng ta cần phải nhận ra vấn đề sẽ không còn là “cuộc chiến giữa người và máy” nữa mà là “người và máy làm việc cùng nhau” để giải quyết những vấn đề của thế giới. Nhân loại chính là người sẽ quyết định hành động tiếp theo là gì.
2. CÁC THÀNH PHỐ SẼ CẠNH TRANH LẪN NHAU ĐỂ CHIẾM LẤY NHỮNG NGƯỜI TÀI NĂNG NHẤT
Khi Amazon công bố kế hoạch đầu tư hơn 5 tỷ đô vào việc xây dựng một trụ sở thứ 2, họ đã nhận được hơn 200 proposal từ các thành phố khác nhau. Các đô thị ở Mỹ đã có nhiều cố gắng để thu hút sự chú ý của CEO Amazon, ông Jeff Bezos. Ví dụ, họ đã dựng mô hình trụ sở Amazon từ bìa cạc tông, mua 1,000 sản phẩm ngẫu nhiên từ Amazon rồi viết review 5 sao cho mỗi món, hoặc chiếu sáng các tòa nhà nổi tiếng như Empire State theo “màu cam của Amazon”.
Nhưng, một thành phố đã làm ngơ cơn sốt đó, chính là San Jose, California. Thị trưởng của thành phố, ông Sam Liccardo, đã sử dụng nhân tài để cạnh tranh thay vì ưu đãi về thuế suất. Trong bài viết trên Wall Street Journal mang tên “Tại sao tôi không đấu giá cho trụ sở Amazon”, Thị trưởng Liccardo đã giải thích rằng “những công ty lớn như Amazon muốn nhưng nơi có nhân tài”. Tôi cũng tin vào điều này. Thu hút các công ty đặt trụ sở vào thành phố của mình sẽ chỉ dẫn đến một chu kỳ không ổn định.
Cuộc chiến giành nhân tài của tương lai sẽ không còn là cuộc chiến giữa các công ty nữa, mà sẽ là giữa các thành phố. Khi công nghệ giải phóng xã hội khỏi các ràng buộc, việc làm việc xa nhà sẽ trở thành điều bình thường. Con người sẽ sống ở thành phố mà họ chọn, thay vì nơi gần nhất với công ty của họ. Các thành phố được họ chọn sẽ phải có một số sức hút nhất định về môi trường sống và thân thiện với công nghệ.
Theo Glassdoor, Data Scientist được đánh giá là nghề tốt nhất thế giới.
3. PHẦN LỚN LAO ĐỘNG CỦA HOA KỲ SẼ LÀM VIỆC FREELANCE VÀO 2027
Ngày nay, hơn 57 triệu người lao động – khoảng 36% lực lượng lao động của Hoa Kỳ - đang làm việc tự do. Dựa theo tỷ lệ phát triển hiện tại của lực lượng lao động, được nêu trong báo cáo “Freelancing in America: 2017”, phần lớn lao động của Hoa Kỳ sẽ làm việc freelance vào 2027. Thế hệ lao động trẻ nhất đang dẫn đầu xu hướng, với gần 1 nửa lao động thế hệ Millenials đã và đang làm việc tự do.
Làm việc tự do sẽ là xu hướng tương lai của thế giới.
Đồng thời, các công ty sẽ có nhu cầu lớn về nhân lực tự do để lấp vào chỗ trống nhân sự. Thực tế, dựa vào một báo cáo thực hiện bởi Oxford Internet Institute, tỷ lệ sử dụng các nền tảng kết nối nhân tài của các công ty lớn đã tăng 26% trong năm 2017. Các công ty như Pfizer và Samsung là một phần của thế hệ các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm kiếm lao động tự do trên Internet.
Freelancers là những người trau dồi kỹ năng của mình nhiều hơn.
4. MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC THEO DỰ ÁN
Hệ thống giáo dục của chúng ta đang bị lỗi. Cách thức chúng ta giáo dục các thế hệ tương lai không còn có thể chuẩn bị cho chúng những kỹ năng cần thiết cho công việc hiện nay. Ý tưởng học toán và khoa học và nghệ thuật như những ngành riêng biệt rồi làm việc để giải quyết các vấn đề thực tế không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Để chuẩn bị cho người học những kỹ năng hữu ích cho công việc tương lai, chúng ta cần phải phá tan sự biệt lập trong giáo dục.
Tôi rất lạc quan rằng giáo dục trong tương lai sẽ trở nên linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu của lực lượng lao động thế kỷ 21. Các trường học dựa trên mô hình dự án, nhiều nơi được lập nên bởi các chuyên gia công nghệ, đang mọc lên. Ví dụ, có thể kể đến Holberton ở San Francisco, lập ra bởi Sylvain Kalache và Julien Barbier; Wildflower School ở Boston, lập ra bởi cựu nhân viên Google Sep Kamvar; Portfolio ở New York, lập ra bởi Babur Habib và Doug Schachtel. Những trường này đã tạo nên một giai đoạn mới cho giáo dục tương lai. Chúng ta sẽ có cái nhìn mới về cách thức phát triển và khai thác nhân tài, chuẩn bị được cho quá trình học tập cả đời của học sinh để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của kỹ năng.
Tác giả: Stephane Kasriel, CEO, Upwork
Sign up for newsletters
Highlights