Jan 27, 2021
Việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp cải thiện năng suất cũng như hiệu quả công việc của nhân viên là công việc người lãnh đạo phải thường xuyên thực hiện. Thông thường mọi người hay quan tâm đến các khuyết điểm và đưa lời khuyên với mục đích cải thiện khuyết điểm của nhân viên vì nghĩ rằng những lời góp ý này sẽ giúp họ trưởng thành hơn. Nhưng thực tế cho thấy rằng nhân viên thường có tâm lý âu lo khi nhận được lời khuyên của cấp trên và cảm thấy áp lực cũng như tự ti khi thường xuyên bị chỉ ra những điểm yếu của bản thân. Ngày hôm nay, tôi – Ngô Ngọc Danh – Giảng viên học viện doanh nhân MVV sẽ giới thiệu đến các bạn một góc nhìn mới về việc thay vì bỏ thời gian ra cải thiện điểm yếu thì chúng ta sẽ tập trung vào nâng cao ưu điểm qua nội dung “Phát huy ưu điểm để nâng cao hiệu quả”.
Theo kết quả nghiên cứu của của Clifton & Harter năm 2003 cho thấy: Những nhân viên nhận được các phản hồi về điểm mạnh, sự độc đáo của họ, có kết quả làm việc, hiệu suất, sự gắn kết cao hơn hẳn những người nhận được các phản hồi về điểm yếu và những thứ cần cải thiện. Còn đối với các sinh viên, những người được phản hồi về điểm mạnh và tài năng có tỷ lệ trốn học, bỏ học thấp, kết quả học tập cũng cao hơn các sinh viên không nhận được phản hồi về tài năng và điểm mạnh của mình. Kết quả khảo sát cũng cho thấy những người được động viên và khích lệ bằng những lời khuyên định hướng để phát triển những điểm mạnh của bản thân, sẽ cảm thấy mình tiến bộ từng ngày, từ đó công việc cũng phát triển ngày càng thành công. Khi một người sếp giao việc và khai thác một nhân viên dựa trên điểm mạnh sẽ khiến họ cảm thấy có động lực, hài lòng và hạnh phúc trong công việc. Bên cạnh đó, nếu nhân viên nhận thấy và phát huy được những ưu điểm của mình trong công việc thì đấy chính là bước đệm vững chắc đầu tiên trong chặng đường phát triển sự nghiệp và hoàn thiện bản thân của họ.
Ngay bây giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét lý do cụ thể vì sao phải tập trung nâng cao ưu điểm?
Phát huy ưu điểm nghĩa là chúng ta sẽ vượt qua những hạn chế do sự thiếu sót của bản thân và quan tâm những động lực thúc đẩy sự cố gắng vì một bản thân tốt đẹp hơn. Theo kết quả điều tra của tổ chức Gallup năm 2002, những nhà kinh doanh sử dụng phương thức tiếp cận dựa trên ưu điểm sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn 1,9 lần so với những nhà kinh doanh thông thường. Và những nhân viên có thể phát huy ưu điểm của mình trong công việc sẽ có tỷ lệ tập trung vào công việc nhiều hơn khoảng 6 lần so với những người không thể phát huy ưu điểm. Ngoài ra, khi bạn đầu tư nhiều thời gian hơn vào những việc mình có thể làm tốt thì những lo lắng, căng thẳng, tức giận hay sự buồn chán và thậm chí cả những nỗi đau về thể xác cũng sẽ được giảm bớt đi. Không những thế, khi tập trung vào ưu điểm, thì những hành động siêu việt, hay nói cách khác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ngoài tưởng tượng là có thể xảy ra. Vậy câu hỏi tiếp theo được đặt ra là làm như thế nào để có thể tiến bộ hơn dựa trên trên những ưu điểm đó?
● Thứ nhất, bạn phải có tư duy phát triển. Giáo sư Carol Dweck của trường đại học Stanford đã từng thể hiện quan điểm về trí tuệ như sau. Một là, trí tuệ là một dạng tư duy cố định không thể được cải thiện thêm và cũng không thể huấn luyện thêm. Khi xảy ra nghịch cảnh, người có tư duy cố định sẽ dễ dàng trở lên bất lực, còn người có tư duy phát triển sẽ có khuynh hướng cố gắng. Theo các nhà khoa học, não bộ con người sẽ vẫn tiếp tục sản sinh ra các tế bào não dù cho chúng ta đạt đến độ tuổi hơn 80 và não của chúng ta sẽ vẫn tiếp tục biến đổi cho tới khi chúng ta chết đi vì tuổi già. Mặc dù vậy, sự tự ti khiến chúng ta có khuynh hướng tự tạo ra giới hạn của bản thân và tự nhủ rằng năng lực của mình rất hạn chế, và rồi chúng ta có xu hướng tìm cách cải thiện “gót chân asin” hơn là chú tâm vào phát triển những điểm mạnh của mình. Bạn hãy nhớ rằng ngoài việc khám phá ra những ưu điểm thì chúng ta còn phải nuôi dưỡng để các ưu điểm ấy ngày càng được phát huy và tỏa sáng
● Thứ hai, để phát huy ưu điểm và đạt tới giai đoạn thành thạo, bắt buộc chúng ta phải tập trung vào mục tiêu học tập và luyện tập nó một cách kiên trì. Mục tiêu gồm có mục tiêu thực hiện và mục tiêu học tập. Để hiểu rõ hơn thế nào là mục tiêu thực hiện và thế nào là mục tiêu học tập tôi có ví dụ như sau: mục tiêu đạt được điểm 8.0 trong kỳ thi IELTS sẽ là mục tiêu thực hiện, còn mục tiêu nói thật tốt tiếng Anh sẽ là mục tiêu học tập. Trong hai mục tiêu này, mục tiêu học tập sẽ là động lực để ta có thể dễ dàng hướng tới sự thành thạo, nhuần nhuyễn hơn. Chính vì vậy, việc tập trung vào mục tiêu học tập quan trọng hơn tất cả. Và để đạt được điều đó, chúng ta cần có sự kiên trì và không ngừng nỗ lực.
Giáo sư Ericson của trường đại học Florida đã chứng minh rằng, bản chất của những đặc điểm mà người ta tin là "tài năng xuất chúng " chính là kết quả của sự cố gắng cả đời để nâng cao hiệu quả. Nói cách khác, tài năng là sản phẩm của "sự luyện tập bền bỉ". Tuy nhiên, để có thể duy trì sự cố gắng là một điều không dễ dàng. Để có thể duy trì được sự cố gắng, chúng ta cần phát triển năng lực điều khiển bản thân, và biết cách khai thác “năng lượng kích hoạt”. "Năng lượng kích hoạt" được hiểu theo nghĩa đen trong môn vật lý là năng lượng tối thiểu để bắt đầu một phản ứng nào đó. Trong việc duy trì sự cố gắng ta có thể hiểu “Năng lượng kích hoạt” như thế này: “Năng lượng kích hoạt” là năng lượng mà bạn phải bỏ ra khi bắt đầu làm một việc gì đó. Nếu bạn muốn từ bỏ một thói quen, bạn phải gia tăng năng lượng kích hoạt và đối với một thói quen cần thiết bạn phải điều chỉnh và duy trì năng lượng kích hoạt ở mức phù hợp. Ví dụ, nếu bạn muốn giảm thói quen xem tivi, bạn hãy tháo bỏ pin điều khiển đi và giấu nó thật sâu vào trong ngăn kéo. Lúc này, để bật lại tivi, bạn phải thực hiện hành động tìm pin trong ngăn kéo và lắp vào điều khiển. Khi bạn tăng thêm năng lượng kích hoạt và mất nhiều năng lượng và thời gian hơn để phục vụ việc xem tivi thì bạn có thể giảm được mức độ xem tivi. Tương tự như vậy, bạn đã quyết tâm tập thể dục vào buổi sáng, nhưng bạn thấy việc phải đi tới tận trước cửa nhà để mang giày thể thao là một việc phiền toái thì hãy để giày thể thao ở vị trí bạn dễ lấy nhất để việc lười đi tìm và mang giày thể thao không cản trở việc tập thể dục của bạn. Khi chúng ta quản lý tốt được năng lực kích hoạt và tăng cường khả năng kiểm soát bản thân thì chúng ta có thể đạt đến giai đoạn làm chủ điểm mạnh của bản thân.
Thiên tài chơi golf Tiger Woods là minh chứng thuyết phục cho việc xem trọng và phát triển tốt những ưu điểm mang lại thành công trong sự nghiệp. Chiến lược để nâng cao khả năng chơi golf của Tiger Woods chính là cố gắng để có thể chơi tốt hơn bằng những kỹ năng mà anh ấy vốn tốt và duy trì những thứ không thể chơi tốt ở mức độ trung bình. Thế mạnh của Woods là kỹ năng xoay người đánh bóng và đi bóng đường dài, còn yếu điểm của anh là kỹ thuật vụt bóng trên cát. Bạn thử đoán xem Woods sẽ dành phần lớn thời gian luyện tập của mình vào phần nào? Đó chính là vào phần xoay người đánh bóng và vụt bóng đi xa. Nói cách khác, nếu kỹ năng xoay người đánh bóng và đi bóng đường dài của Woods được cải thiện tốt hơn nữa, thì tỷ lệ bóng rơi vào hố cát sẽ giảm đi và trường hợp phải sử dụng kỹ năng vụt bóng trên cát vốn là yếu điểm của mình sẽ ít xảy ra hơn.
Điều quan trọng ở đây tôi muốn nhấn mạnh sau những ví dụ vừa rồi là chúng ta nên đầu tư thời gian và thói quen sinh hoạt nhiều hơn vào những yếu tố có thể cải thiện được, hay nói cách khác là vào việc phát huy điểm mạnh, chứ không phải là vào những kỹ năng vốn không có hoặc vào việc cải thiện điểm yếu của bản thân. Các bạn cũng hãy thử suy nghĩ xem ưu điểm của mình là gì và có những phương pháp đa dạng nào để có thể phát huy được những ưu điểm đó nhé!
Rất vui vì có cơ hội chia sẻ những điều thú vị với các bạn, hẹn gặp lại các bạn ở những nội dung tiếp theo.
Sign up for newsletters
Highlights