Sabeco: Tốt sao lại bán? – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Sabeco: Tốt sao lại bán?

May 04, 2018

Ngày 18/12 vừa qua, sau phiên chào bán cổ phiếu cạnh tranh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), 53,59% cổ phần của Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thuộc về công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đồng nghĩa với việc tỷ phú này đã trở thành người nắm quyền sở hữu Sabeco với các thương hiệu “quốc dân” như Bia Sài Gòn, 333.

Ông Lại Tiến Mạnh, General Manager của MiBrand – đại diện của Brand Finance tại Việt Nam, đồng thời là Huấn luyện viên tại MVV Coaching, đã đưa ra những quan điểm của mình về thương vụ trên như sau:

“Nhân có 1 số bạn phóng viên có gọi điện hỏi mình về vụ Sabeco với nhiều góc nhìn khác nhau. Mình đã không bình luận từ góc độ quản lý vốn nhà nước vì không nằm trong diện phải giải bài toán vĩ mô, bao gồm gánh nặng nợ công cực lớn của Việt Nam.

Thực ra quan điểm của mình về vụ này rất đơn giản:

1. Thoái vốn có tổ chức để loại bỏ mô hình kinh tế nhà nước khỏi thị trường

Đây là quyết định đúng dựa trên thực trạng quản lý vốn quá kém của cả hệ thống TCT 90-91. Quá dễ để nhận ra là các Tổng này, dù nắm trong tay những nguồn lực khổng lồ, thực ra lại chả đóng góp mấy cho ngân sách quốc gia dưới dạng đóng thuế; thay vào đó là những vụ án vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cần phải kỷ luật cán bộ và rút kinh nghiệm sâu sắc. Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này chính là cổ phần hóa. Khi nhà nước thoái vốn để tư nhân nắm quyền, bài toán quản trị doanh nghiệp sẽ được xử lý một cách chuyên nghiệp.

Trong số hàng trăm tổng công ty có quy mô khổng lồ thuộc nhà nước quản lý thì Sabeco hay Vinamilk chỉ là 2 điểm sáng thu hút sự chú ý của mọi người. Không ai nghĩ đến hàng chục tổng công ty khác đang sống một cách lay lắt, công nhân không có đủ việc làm và thu nhập không đảm bảo được cuộc sống hàng ngày. Vậy thì giữ làm gì những công ty như vậy mà không thoái vốn càng sớm càng tốt? Thoái xong thì thu thuế của họ mà sống. Vậy bài toán thực sự sau này sẽ là quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp đã thoái vốn.

2. Liệu có mất thương hiệu vào tay nước ngoài?

Đây là câu hỏi mà các bạn phóng viên hay hỏi nhất mỗi khi có một vụ thâu tóm của nhà đầu tư ngoại đối với các công ty cổ phần hóa. Nên biết rằng Thương hiệu là một phần tài sản của công ty đóng góp một phần không nhỏ cho bất kỳ một thương vụ mua bán sáp nhập nào. Nếu như chủ trương vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam với mục đích nuôi thương hiệu cho tốt để bán thì đó chính là một bước đi đúng đắn và tôi hoàn toàn ủng hộ. Chỉ có điều, bài toán sẽ thật sự hoàn hảo nếu việc định giá tài sản để cổ phần hóa có sự đóng góp đáng kể của tài sản vô hình thương hiệu. Tôi không biết chi tiết quá trình định giá và cơ sở để đặt ra mức giá thầu nhưng tin rằng các nhà quản lý sẽ không bao giờ bỏ qua việc xác định giá trị thương hiệu để tính Giá trị cổ phần được đấu giá. Là người ngoài cuộc tốt nhất đừng chê bai giá đắt hay giá rẻ.

Vậy còn những thương hiệu Việt mà chúng ta hằng yêu quý có nguy cơ bị mất hay không? Đây là một câu hỏi thuần túy mang màu sắc cảm tính. Bởi vì một khi chúng ta đã quyết định bán trên 50% cổ phần của công ty cho nhà đầu tư ngoại thì cũng có nghĩa là nhà đầu tư có toàn quyền quyết định về tất cả mọi hoạt động của công ty bao gồm thương hiệu. Việc giữ nguyên những thương hiệu hiện có hay thay thế nó bằng những thương hiệu khác sẽ không phụ thuộc vào cảm tính như mọi người vẫn hay tự kỷ ám thị.

Điều đó thuộc về quyết định của chủ đầu tư. Trong trường hợp của Sabeco, Nếu tôi mua được 54% cổ phần của Sabeco, tôi sẽ không dại gì loại bỏ những thương hiệu đang gây sóng gió, áp đảo trên thị trường mà chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì để thu lợi trên những thương hiệu đang rất thành công này. Tất nhiên tôi không phải là anh tỷ phú Thái Lan nên sẽ không hiểu được những bài toán phức tạp khác của anh ấy. Vậy nên cũng đừng ngạc nhiên nếu ngày mai sẽ không còn những 333, Sài Gòn Xanh. anh ấy sở hữu công ty, anh ấy có toàn quyền làm bất cứ cái gì hay ho đối với Sabeco.

3. Tương lai gì cho thương hiệu Việt?

Nói chung, tương lai của thương hiệu Việt sẽ nằm trong tay các tập đoàn kinh tế tư nhân. Điều đáng mừng là các tập đoàn lớn bắt đầu hiểu giá trị thương hiệu chính là tiền và do đó sẽ có những bước đi bài bản nhằm xây dựng thương hiệu bền vững.

Sau 10 năm nữa, rất có thể chúng ta sẽ lại tự hào vì Việt Nam có những thương hiệu mới có sức cạnh tranh lớn của những tập đoàn kinh tế tư nhân bao gồm cả chủ sở hữu người Thái.”

Như vậy, làm thế nào để các thương hiệu Việt Nam, đặc biệt là những thương hiệu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể “hiện thực hóa” định vị thương hiệu của mình, hay nói một cách khác, làm thế nào để tận dụng các công cụ truyền thông sẵn có để thực sự xây dựng được giá trị hiện hữu cho thương hiệu của mình, xây dựng những thương hiệu có giá trị hàng triệu cho đến hàng chục triệu hay thậm chí hàng trăm triệu đô-la Mỹ?

Khóa huấn luyện “Xây dựng Thương hiệu Doanh nghiệp” của MVV Coaching được thiết kế nhằm cung cấp giải pháp cho nhu cầu đó của các doanh nghiệp Việt Nam. Khóa học sẽ khai giảng tại Hà Nội vào ngày 05/01 và tại TP.HCM vào ngày 12/01 với sự hướng dẫn của HLV Lại Tiến Mạnh, General Manager của MiBrand – đại diện của Brand Finance tại Việt Nam và HLV Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Học viện MVV.