Thanh toán bằng QR Code: Chờ đợi sự bùng nổ – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Thanh toán bằng QR Code: Chờ đợi sự bùng nổ

May 04, 2018

Ứng dụng thanh toán bằng mã QR đã được nhiều ngân hàng áp dụng, tính tiện lợi trong thanh toán và an toàn về bảo mật chính là những yếu tố đang kích thích người tiêu dùng chú ý đến phương thức thanh toán kỹ thuật số này.

Tìm hiểu lại QR Code là gì?

Mã QR (QR code) là chữ viết tắt của “Quick response code” (tạm dịch là mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận), đã xuất hiện cách đây hơn 2 thập kỷ. Mã QR thường hiển thị dưới hình thức ô vuông màu đen trên nền trắng, bên trong có chứa nhiều ký tự chồng chéo được mã hóa và được quét bởi một máy đọc mã vạch hoặc điện thoại thông minh.

Mã QR được một công ty Nhật Bản có tên là Denso Wave phát minh. Ban đầu, QR code được dùng cho ngành công nghiệp ôtô nước này nhằm theo dõi tình trạng xe trong quá trình sản xuất. Sau đó, nó được phát triển tính ứng dụng nhiều hơn trong việc tích hợp vào các chiến dịch marketing của những nhãn hàng.

Điểm khởi đầu của QR code tại Việt Nam có thể được nhắc đến vào năm 2013, khi mà những người dùng smartphone tải ứng dụng đọc mã QR code để scan những “ô vuông ma trận” trên các ấn phẩm quảng cáo để đọc được những nội dung trong đó.

Một mã QR có thể chứa một địa chỉ web, thông tin liên hệ, địa chỉ email, mã giảm giá, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản, thời gian diễn ra một sự kiện, hay thậm chí là thông tin định vị vị trí. Một số trang web tạo mã QR còn có thể cung cấp thêm các dữ liệu như số lượng người quét mã, thông tin thiết bị, một vài thông tin người dùng khác nếu bỏ thêm một ít chi phí xài bản nâng cao. Nhưng suy cho cùng, ở Việt Nam QR code chỉ mới được sử dụng ở phạm vi rất hạn chế và “bảo hòa” trong một thời gian khá dài, nếu không muốn nói là đến tận ngày hôm nay để làm nên sức bùng nổ ngoạn mục.

Nhìn lại, một số chiến dịch marketing thành công từ QR Code trên thế giới

Chiến dịch Sexier than Skin của Victoria Secret

Victoria Secret đã sử dụng QR code cho một chiến dịch quảng bá có tên là Sexier than Skin. Ý tưởng được dựa trên sự đặc thù của QR code là mã hóa hình ảnh hoặc chữ viết để kích thích sự tò mò, khám phá của người xem quảng cáo. Cuối cùng, hãng đã biến những poster quảng cáo đặt tại các vị trí công cộng để mọi người cùng khám phá.

Tại các địa điểm đặt poster, Victoria Secret mạnh dạn cho đặt các poster hình những thiên thần của hãng với đường cong quyến rũ nhưng được che hững hờ bằng một mã QR code. Trước sự cuốn hút của những đường cong thiên thần ấy, phần đông mọi người qua lại đều muốn scan những QR code này ngay và luôn để xem bên trong đó ẩn chứa những gì. Những thông điệp như “Khám phá bí mật của Erin”, “Khám phá bí mật của Lily”,… dần được hé lộ. Thậm chí, họ còn nhận được hình ảnh người mẫu với những trang phục lót gợi cảm của Victoria Secret. Chưa hết, bên cạnh hình ảnh được hiển thị đầy đủ khi scan, thông tin về sản phẩm cũng như hướng dẫn để mua hàng online cũng được tự động hiển thị, khuyến khích hành động mua hàng từ người xem.

Chiến dịch của Heineken

Trong các hoạt động bên thềm festival Open’er Music tại Ba Lan, Heineken đã thực hiện chiến dịch U – code và sử dụng QR code để truyền tải thông điệp mới “Open your world” của hãng. Trong chiến dịch này, Heineken bắt đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản “Why do people go to music festivals? (Lí do khiến mọi người đến các festival âm nhạc?). Câu trả lời cũng vô cùng đơn giản, đó là âm nhạc và cơ hội để kết bạn.

Đến với Open’er Music, tất cả mọi người có thế tìm đến với điểm hoạt động (activation booth) của Heineken để tạo cho riêng mình một đoạn giới thiệu bản thân theo cách riêng và được mã hóa bằng QR code. Mã này sau đó được in ra giấy dán và gắn lên quần áo của người tham dự. Cách “thả thính” này đã giúp mọi người sẵn sàng scan và kết nối với nhau mà không còn ngăn cản bởi sự ngại ngùng. Rất nhiều người tham gia festival đã có thêm bạn mới. Trong vòng 3 ngày, hơn 5.000 QR code đã được tạo ra và hàng chục nghìn người có cơ hội tiếp xúc với thông điệp ”Open your world” của Heineken.

Thực tại, QR code trở lại đầy ngoạn mục với “diện mạo” trong phương thức thanh toán tài chính

Tưởng chừng theo thời gian, QR code tại Việt Nam chỉ được sử dụng theo lối mòn như scan để cài đặt, lấy mã giảm giá, thông tin liên hệ website, kênh social… thì giờ đây, người tiêu dùng nói dung và người yêu công nghệ nói riêng đã có thêm một trải nghiệm mới với QR code, khi nó chính thức được các ngân hàng và nhà phát triển sản phẩm thanh toán điện tử phát triển thành một phương thức thanh toán tiện ích, dành cho tất cả các dịch vụ có giá trị thanh toán nhỏ cho đến những giao dịch tiền triệu.

Rất đơn giản, người dùng chỉ cần sử dụng ứng dụng QR code của các ngân hàng, ví điện tử trên điện thoại di động có thể thanh toán được hàng hóa, hóa đơn hay bất kỳ thanh toán nào mà không cần dùng thẻ hay chuyển khoản. Điều này cũng thể hiện một vấn đề hết sức rõ ràng, đã qua rồi thời “cà thẻ” ghi nợ, tín dụng, thẻ ATM để thanh toán các chi phí cần thiết.

Đối với thanh toán qua QR code, người bán hàng chỉ cần tạo hóa đơn cần được thanh toán dưới hình thức QR code thay thế hóa đơn thông thường. Khách hàng quét mã QR và thanh toán nhanh tại các điểm bán hàng mà không cần tiền mặt hay thẻ tín dụng. Theo báo cáo Thanh toán Thế giới (World Payment Report) của Capgemini và BNP Paribas năm 2017 dự báo năm 2019, một nửa số giao dịch trên thế giới sẽ là online hoặc qua thiết bị di động. Điều này cho biết rằng, dự đó với sự phổ biến của QR code, thanh toán trên di động có thể sẽ còn tăng mạnh.

Bên cạnh đó, có những lý do để loại hình thanh toán này phát triển đó là sự bùng nổ của thị trường điện thoại thông minh và Internet ngày càng dễ dàng tiếp cận đến người người, nhà nhà, nó sẽ sớm trở thành một cuộc “cách mạng” về thanh toán di động và cả thanh toán trực tuyến qua mã QR code đang có xu hướng bùng nổ tại Việt Nam.

Nhà băng chạy đua công nghệ thanh toán QR code

Theo số liệu được công bố bởi Vụ thanh toán Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu và đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,…

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển thanh toán qua điện thoại di động, Việt Nam còn có một Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành ngân hàng nhằm thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR code tại một số quốc gia trên thế giới phát triển công nghệ thanh toán QR code tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Đơn cử như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) vừa áp dụng giải pháp thanh toán mới với tên gọi QuickPay. Đây là một app ứng dụng trên dòng điện thoại Smartphone, có thể hỗ trợ thanh toán, chuyển tiền cho nhau và chuyển tiền liên ngân hàng thông qua mã QR. Việc thanh toán cũng rất đơn giản, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, đăng nhập, quét mã QR và quét vân tay hoặc nhập mã cá nhân để xác nhận thanh toán. Đối với những người dùng dù có hay chưa có tài khoản ngân hàng, chỉ cần nhập họ tên, số CMND, số điện thoại và nhập mã kích hoạt để đăng ký sử dụng. Nguồn tiền nạp vào tài khoản có thể từ tiền gửi tại các ngân hàng, nạp tiền mặt qua bất kỳ ai có tài khoản QuickPay và còn có thể nạp sẵn thẻ ATM hoặc từ thẻ tín dụng.

Sacombank cũng không nằm ngoài cuộc chơi, nhà băng này triển khai chương trình thanh toán qua ứng dụng mCard cho chủ thẻ của mình (trừ thẻ doanh nghiệp và thẻ các ngân hàng khác) vào ngày 1/11/2017 vừa qua. Để thanh toán theo phương thức này, khách hàng chỉ cần dùng thiết bị di động và tải về ứng dụng mCard, đăng ký thông tin với ứng dụng, sau đó muốn thanh toán bất kỳ dịch vụ nà thì chỉ cần sử dụng thiết bị di động quét mã QR tại các đơn vị chấp nhận thẻ liên kết với Sacombank mà không cần “cà thẻ”.

Trước đó, các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, NCB, Vietcombank cũng đã tung ra công cụ thanh toán tài chính thông qua mã QR code. Chẳng hạn như người dùng có thể cài đặt iPay Mobile với VietinBank và SmartBanking với BIDV để thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng… có logo chấp nhận thanh toán của các ngân hàng này.

Miếng bánh ngon, không chỉ ngân hàng mà còn có đại gia viễn thông

Đã là công nghệ thì dĩ nhiên các đại gia ngành viễn thông cũng không đứng ngoài cuộc nhìn các ngân hàng tung ra sản phẩm thanh toán thông minh để người dùng trải nghiệm dịch vụ tiện ích. VinaPhone đã trở thành nhà mạng tiên phong trong việc áp dụng thanh toán cước qua QR Code. Giờ đây, tất cả các cước cần thanh toán của các chủ thuê bao của Vinaphone đã được tích hợp qua mã QR. Chủ thuê bao chỉ cần có ứng dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng cài trên điện thoại, quét QR Code trên hoá đơn của VinaPhone là có thể hoàn thành thanh toán trong vòng vài giây mà không cần tiền mặt, không cần thẻ và cũng cần không lo vấn đề tiền chẵn, tiền lẻ.

Song song với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông, thì các doanh nghiệp về công nghệ cũng đã áp dụng việc thanh toán qua mã QR code, chẳng hạn như VTC Pay, One Pay, Momo, Vimo, VNPay… mang đến những trải nghiệm thanh toán công nghệ vô cùng hữu ích với các dịch vụ thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim…

Không những tiện lợi, nhanh chóng mà còn bảo mật

Thanh toán qua QR code giúp người dùng di động tiết kiệm thời gian giao dịch và đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của thông tin, vì không phải nhập dữ liệu so với Internet Banking hay Mobile Banking. Quá trình thao tác và hoàn thành thanh toán diễn ra trong vòng vài giây mà không cần quan tâm đến tiền mặt và các loại thẻ ngân hàng đang sử dụng.

QR Code mang lại tiện ích cho cả hai đối tượng là người bán hàng và người mua hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh từ nhỏ lẻ cho đến những doanh nghiệp có quy mô lớn. Mã QR code có thể triển khai tại rất nhiều điểm bán hàng như quán cà phê, khách sạn, nhà hàng, trên xe taxi, bán hàng trên Internet, thậm chí là trên bất cứ bề mặt nào của sản phẩm cần quét.

Rủi ro dẫn tới mất an toàn tài khoản người dùng QR code rất thấp. Ngay cả khi bị mã độc tấn công chiếm quyền tài khoản thì người dùng cũng không bị ảnh hưởng. Bởi vì QR code chỉ là cách tiếp cận thông tin cần thiết để nhận biết khách hàng, nó khó có thể bị lộ thông tin, đây cũng là ưu điểm lớn nhất. Bên cạnh đó, khi thanh toán người dùng còn có bước đăng nhập vào tài khoản và mật khẩu, sau đó ngân hàng còn xác thực bằng mật khẩu dùng một lần (OTP). Cho nên, có thể nói QR code là một phương thức thanh toán đảm bảo an toàn tài khoản và thông tin người dùng.

Thật ra, rủi ro lớn nhất nằm ở chiếc điện thoại Smartphone của người sở hữu, bởi mọi thông tin quan trọng của đều nằm ở trong chiếc điện thoại. Song ngay cả khi mất điện thoại, các phương thức bảo mật khác như dấu vân tay, mật khẩu, hay nhận dạng bằng khuôn mặt sẽ là một rào cản cho kẻ xấu muốn xâm nhập các ứng dụng liên quan đến tài chính trên điện thoại.

Chờ đợi cuộc cách mạng thanh toán QR code bùng nổ

Nói về nguyên nhân, thì sự bùng nổ của thanh toán điện tử và điện thoại thông minh chính là nền tảng để thanh toán bằng mã QR ngày càng phổ biến. Ấn Độ là nước ở khu vực châu Á đang đi tiên phong khi Chính phủ tài trợ dự án có tên gọi IndiaQR. Hay tại Trung Quốc, nhiều đơn vị bán hàng nhận thanh toán bằng mã QR code. Bình quân mỗi ngày một người Trung Quốc tương tác với khoảng 10-15 mã QR. Thậm chí người dân Hàn Quốc có thể đi xe bus mà không cần tiền mặt vì họ đã áp dụng việc thanh toán từ di động.

Tại Việt Nam, ứng dụng thanh toán bằng mã QR đã được nhiều ngân hàng áp dụng. Tính năng QR Pay hiện được tích hợp trên ứng dụng Mobile Banking của một số ngân hàng với khoảng 5 triệu người dùng. Tính tiện lợi trong thanh toán và an toàn về bảo mật chính là những yếu tố đang kích thích người tiêu dùng chú ý đến phương thức thanh toán kỹ thuật số này.

Hãy cùng chờ xem sự trở lại ngoạn mục của QR code có làm nên một cuộc cách mạng thanh toán điện tử bùng nổ tại Việt Nam hay không…

Tác giả: Oscar Tran, PR Manager, MVV SnP / http://oscartranads.com/

Bài viết có tham khảo thông tin từ Vnexpress.net, ICTNews, VTCPay, Vietinbank, Vietcombank, Tpbank, Sacombank, NCB, VNPayment, World Payment Report