10 xu hướng ngành thời trang cần lưu ý trong năm 2018: Đừng mắc vào “Bẫy giảm giá” – Học viện Doanh nhân MVV Academy

10 xu hướng ngành thời trang cần lưu ý trong năm 2018: Đừng mắc vào "Bẫy giảm giá"

Jun 16, 2018

Những năm qua, các đợt khuyến mãi lớn như Black Friday, Ngày của Mẹ luôn luôn là những cơ hội đẩy mạnh doanh thu của các hãng thời trang. Không ít hãng thời trang đưa ra những chương trình khuyến mãi lên đến 50-70% nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Bị “mờ mắt” bởi những con số doanh thu, nhiều người vẫn không nhận ra rằng khuyến mãi đang dần bị bão hòa và họ chỉ đang cạnh tranh doanh số lẫn nhau.

Đó là 1 trong 10 kết luận của BoF và McKinsey & Company về các xu hướng cần chú ý cho ngành bán lẻ thời trang năm 2018, dựa vào các phân tích vĩ mô của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và thay đổi trong ngành thời trang. Bài viết được trích từ báo cáo The State of Fashion.

1. Hãy chuẩn bị cho những điều không thể đoán trước

Khủng hoảng kinh tế, sự bất ổn và bất khả lường đã không còn là những yếu tố bất ngờ. Các công ty thời trang và người làm trong ngành này cần tiếp tục thận trọng và linh hoạt để thích nghi với môi trường luôn luôn thay đổi, nhưng họ sẽ càng ngày càng tập trung nhiều hơn vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát.

2. Tái khởi động toàn cầu hóa

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc và reshoring (quay về sử dụng nguồn lực trong nước) đang trỗi dậy nhưng xu hướng toàn cầu hóa sẽ không dừng lại. Một giai đoạn mới của toàn cầu hóa sẽ mở ra với sự phát triển theo cấp số nhân của việc kết nối và truyền tải dữ liệu kỹ thuật số xuyên biên giới, làm thay đổi cục diện cuộc chơi và tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp nhanh chân.

3. Châu Á: Những nhà tiên phong mới

Với 2/3 số lượng start-up thương mại điện tử tiềm năng, hơn ½ doanh thu bán hàng trực tuyến của thế giới cùng với vô số những phát minh về công nghệ và kỹ thuật số, châu Á không còn là kẻ đi sau của các nước phương Tây nữa. Các doanh nghiệp tại châu Á sẽ khẳng định sức mạnh và khả năng dẫn đầu của mình ngày một nhiều hơn thông qua những sự đổi mới mang tính tiên phong và những thương vụ đầu tư, mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

4. Cá nhân hóa lên ngôi

Cá nhân hóa và tư vấn cá nhân sẽ trở nên quan trọng hơn đối với khách hàng. Đối với khách hàng, thời trang không còn chỉ cần “chuẩn auth” mà còn phải mang dấu ấn cá nhân. Vì vậy, các thương hiệu sẽ phải xem trọng dữ liệu người dùng hơn nữa để có thể đưa ra những đề xuất phù hợp và tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Các công ty thời trang đã lớn mạnh sẽ tập trung trở lại vào những điểm mạnh của họ.

5. Lấy nền tảng làm đầu

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng nghĩ đến các nền tảng trực tuyến nhiều hơn khi có nhu cầu tìm kiếm, nhờ vào sự tiện lợi, sự liên quan và đa dạng về sản phẩm mà những nền tảng này mang lại. Cho dù bán sản phẩm thông dụng, sản phẩm chuyên nghiệp hay sản phẩm cao cấp, các nhãn hiệu thời trang đều sẽ phải tìm đến và tương tác nhiều hơn với những nền tảng trực tuyến – những kênh bán hàng mạnh mẽ này.

6. Cơn sốt thiết bị di động vẫn chưa chấm dứt

Khi mà khách hàng càng ngày càng mê mẩn với các thiết bị di động, hành động giao dịch mua sắm cũng sẽ chuyển sang thiết bị di động. Với sự phát triển đến mức dư thừa của các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, khách hàng sẽ kỳ vọng các nhãn hàng thời trang phải mang lại những trải nghiệm tốt hơn khi họ thực hiện giao dịch trên điện thoại.

7. Trí thông minh nhân tạo

Những nhà tiên phong về công nghệ sẽ sớm tiết lộ khả năng can thiệp của trí thông minh nhân tạo vào trong tất cả các phần của chuỗi giá trị ngành thời trang. Sự can thiệp của AI sẽ không chỉ nằm trong giới hạn những công việc máy móc như truyền thống, mà sẽ còn lấn sân sang lĩnh vực sáng tạo và quá trình tương tác với khách hàng, xóa mờ khoảng cách giữa công nghệ và sáng tạo.

8. Tạo dựng uy tín từ việc phát triển bền vững

Phát triển bền vững sẽ không còn chỉ là những hoạt động CSR thiên về marketing nữa, mà sẽ trở thành một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh. Nhiều nhãn hiệu thời trang sẽ lên kế hoạch tái chế từ những giai đoạn đầu tiên của chuỗi sản xuất, trong khi một số sẽ khai thác tính bền vững thông qua đổi mới công nghệ để nâng cao tính hiệu quả, tính minh bạch, tạo ra những sự thay đổi tích cực về mặt đạo đức.

9. Đừng mờ mắt vì khuyến mãi giảm giá

Sự tăng trưởng của doanh thu khuyến mãi đang bị chi phối bởi quan niệm cho rằng nó sẽ là giải pháp cho những vấn đề như tốc độ tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, thị trường Mỹ đang là một ví dụ cảnh báo cho sự bão hòa khuyến mãi và cạnh tranh doanh số lẫn nhau. Nếu châu Âu và châu Á tiếp tục xem khuyến mãi giảm giá như một loại thần dược chữa bách bệnh, ngành thời trang có thể sẽ gặp phải rủi ro lợi nhuận biên giảm sút nếu như các công ty không cẩn thận hơn khi đưa ra các chiến lược giảm giá.

10. Lối nghĩ như Startup

Khi mà ngành công nghiệp thời trang đang hết sức cần những sự đổi mới, nhiều công ty thời trang sẽ hướng đến việc mô phỏng những phẩm chất của các công ty khởi nghiệp, ví dụ như sự linh hoạt, hợp tác và cởi mở. Những doanh nghiệp có tư duy truyền thống sẽ bị buộc phải mở lòng với những loại hình nhân lực mới, những cách làm việc mới, những hình thức hợp tác mới và những mô hình đầu tư mới.

Nguồn: Retail in Asia, báo cáo The State of Fashion 2018, BoF và McKinsey & Company.