Jul 18, 2018
Tiêu đề là yếu tố quan trọng quyết định việc người đọc có click vào bài viết hay không. Cho dù nội dung bài viết có hay đến mấy mà tiêu đề không hấp dẫn thì bài viết cũng khó lòng thành công, vì phải click vào thì khách hàng mới biết được bài viết có hay hay không. Dưới đây là 25 gợi ý để xây dựng tiêu đề hấp dẫn hơn đối với người đọc.
1. Đặt con số vào tiêu đề
Những tiêu đề có chứa con số sẽ luôn tạo ấn tượng và dễ dàng thu hút người đọc hơn. Đặc biệt là những bài viết quảng cáo dịch vụ hay sản phẩm, các con số sẽ rất hấp dẫn khách hàng.
Ví dụ: Giảm 5 kg trong vòng một tuần chỉ với những thao tác đơn giản này
2. Bắt đầu tiêu đề bằng cụm từ "làm thế nào"
Dạng “tít” này sẽ thu hút sự tò mò của người đọc, họ sẽ muốn xem cách giải quyết một vấn đề như thế nào. Nên sử dụng những tiêu đề có chứa cụm từ này để kích thích sự tò mò của độc giả.
Ví dụ: Làm thế nào để thu hút khách mua hàng online trên Facebook?
3. Thêm yếu tố tiền bạc
Con người rất nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Một tiêu đề bài viết chứa tiền bạc sẽ khích lệ độc giả “click” vào đọc bài viết.
Ví dụ: 5 sản phẩm làm đẹp dưới 500 nghìn đồng bạn nên thử
4. Các tiêu đề giới hạn độ tuổi và giới tính người đọc
Nên sử dụng cách đặt tiêu đề này nếu nội dung bài viết của bạn đã xác định rõ ràng đối tượng người đọc.
Ví dụ: 5 cách chống lão hóa da phụ nữ trên 30 tuổi cần biết
5. Tiêu đề sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, cường điệu)
Một bài tập làm văn khi sử dụng các biện pháp tu từ sẽ luôn đạt được điểm cao hơn so với những bài viết chỉ sử dụng những câu đơn bình thường. Cách đặt tiêu đề cũng vậy, người đọc sẽ lôi cuốn với những tiêu đề tạo sự liên tưởng, hình dung hơn là những tiêu đề đơn giản.
Ví dụ: Lương “nhân viên đa cấp” cao hơn cả CEO
6. Tiêu đề chứa cụm từ "miễn phí"
Tâm lí con người sẽ bị kích thích bởi những thứ mang tính miễn phí. Vì vậy, nếu nội dung bài viết có đề cập những yếu tố mang tính miễn phí thì hãy nhanh chóng đưa cụm từ này lên tiêu đề. Người đọc sẽ không tiếc một cái “click chuột” để đọc những thông tin sản phẩm và dịch vụ miễn phí.
Ví dụ: Những khóa học online Content Marketing miễn phí trên trang web abc
7. Tiêu đề có liên quan đến người nổi tiếng
Người nổi tiếng chính là “phương tiện” để nhanh chóng thu hút số lượng người đọc.
Ví dụ: Hoa hậu Hương Giang và hành trình tìm lại chính mình
8. "Giật tít" mang tính chất cảnh báo
Những tiêu đề mang tính chất cảnh báo sẽ thúc đẩy người đọc nhanh chóng click vào tiêu đề.
Ví dụ: Bạn đang “rút ngắn tuổi thọ” của mình nếu không chịu từ bỏ ngay những thói quen này
9. Lấy câu chuyện của bản thân làm tiêu đề
Cách xưng ngôi thứ nhất “tôi” trong bài viết sẽ tăng tính thực tế, lấy câu chuyện của mình sẽ tạo niềm tin cho người đọc.
Ví dụ: Tôi đã đạt IELTS 8.0 trong vòng 3 tháng như thế nào?
10. Tiêu đề ăn theo những sự kiện hot
Những sự kiện nóng trong một thời điểm luôn thu hút sự quan tâm lớn từ phía độc giả.
Ví dụ: Hữu Vi – Từ host The Face bị ném đá đến nam thứ “Hậu Duệ Mặt Trời”
11. Báo cáo từ nguồn tin cậy
Những thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và uy tín sẽ làm người đọc tin tưởng.
Ví dụ: Dữ liệu mới nhất của Google về lượng người dùng Internet
12. Tiêu đề có yếu tố tường thuật trực tiếp
Những tin tức cập nhật liên quan đến những sự kiện nóng sẽ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người đọc.
Ví dụ: Cập nhật trực tiếp World Cup 2018: Anh – Pháp
13. Sử dụng cụm từ "đảm bảo"
Tiêu đề chứa cụm từ “đảm bảo” sẽ tăng niềm tin với người đọc. Với những ai đang có nhu cầu sử dụng những sản phẩm hay dịch vụ sẽ dễ dàng tìm kiếm những thông tin liên quan đến link bài viết chứa cụm từ này.
Ví dụ: 5 loại kem dưỡng ẩm đảm bảo bạn cấp ẩm hiệu quả
14. Đơn giản hóa vấn đề
Các cách giải quyết vấn đề thường nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả. Các thuật ngữ như “đơn giản, dễ dàng, chuyện nhỏ” sẽ khiến cho bài viết dễ tiếp cận hơn với đối tượng độc giả đó.
Ví dụ: Bạn sẽ có một khuôn mặt thon gọn chỉ bằng vài bước đơn giản dưới đây
15. Sử dụng những từ ngữ mới lạ
Con người luôn hứng thú với những điều mới lạ, việc sử dụng những cụm từ hay những từ ngữ mới mẻ để khích lệ khả năng phỏng đoán của người đọc và muốn đọc nội dung bên trong.
Ví dụ: Công thức 3C trong Content Marketing
16. Nhắc đến những thương hiệu, dịch vụ, sản phẩm cụ thể
Đây là cách để tiếp cận với khách hàng nhanh nhất khi bạn muốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ví dụ: Những tín đồ mê làm đẹp không thể không biết sản phẩm này của thương hiệu Mamonde
17. Biện pháp đám đông
Mọi người rất dễ bị lôi kéo bởi “hiệu ứng đám đông”, hãy sử dụng biện pháp này để thu hút người đọc nhấn vào bài viết của bạn.
Ví dụ: Người dân cả nước biểu tình phản đối cho Trung Quốc “thuê” đất 99 năm
18. Tiêu đề thu hút tranh cãi đám đông
Một vấn đề gây tranh cãi có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, vì vậy “giật tít” bằng những vấn đề gây tranh cãi của đám đông là cách thu hút không ít lượt view từ phía độc giả.
Ví dụ: Diện set đồ 88 triệu có quá hoang phí với một cô bé 17 tuổi?
19. Các dạng tiêu đề tổng quan, tổng kết
Đặt tiêu đề ở dạng tổng kết khi nội dung bài viết của bạn đang tóm lại toàn bộ thông tin sự kiện, sự việc nào đó.
Ví dụ: Toàn cảnh tình yêu chồng chéo giữa Nhã Phương – Trường Giang – Nam Em
20. Promotion / khuyến mãi
Những thông tin về những món hàng được giảm giá hay hàng tặng kèm luôn khuyến khích khách hàng tìm đọc. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng những con số bởi người đọc sẽ cảm thấy quá ảo và không tin tưởng.
Ví dụ: Mua Coca Cola trúng ngay IphoneX
21. Gợi những câu hỏi gây tò mò
Đặt câu hỏi để gây tò mò cho người đọc, kích thích độc giả tìm hiểu bài đọc để xem rằng họ đã biết và chưa biết những gì.
Ví dụ: Bạn đã biết câu chuyện đằng sau sự thành công của cựu Tổng Thống Mỹ Obama?
22. Giật tít với những từ khóa "nóng"
Tận dụng những từ khóa nóng đang được tìm kiếm nhiều từ cộng đồng mạng.
Ví dụ: Cường Đô La “qua đêm” tại nhà Hồ Ngọc Hà sau tin đồn sắp cưới Đàm Thu Trang
23. Dùng tiêu đề mệnh lệnh
Đây là cách đặt tiêu đề có tác dụng thúc đẩy hành động của độc giả rất cao.
Ví dụ: Dừng ngay những thói quen này nếu bạn không muốn “tự giết bản thân”
24. Sử dụng những cách phát hiện
Những phát minh hay những phát hiện sẽ khiến người đọc tò mò xem nội dung bên trong của bài viết.
Ví dụ: Đã phát hiện phương thuốc đặc trị ung thư
25. Nêu lên các lý do
Bài viết sẽ mang tính tương tác rất cao nếu bạn viết về những cách cần phải thực hiện một công việc hoặc đang giới thiệu một sản phẩm, dịch vụ nào đó.
Ví dụ: 5 lý do vì sao bạn nên dùng sản phẩm abc này
Tìm hiểu thêm về bí quyết xây dựng chiến lược Content Marketing qua khóa học "Advanced Content Marketing" của HLV Hoàng Quân tại ĐÂY.
Sign up for newsletters
Highlights