5 lời khuyên về kỹ năng lãnh đạo từ người đứng đầu bộ phận quản trị nhân lực của Goldman Sachs – Học viện Doanh nhân MVV Academy

5 lời khuyên về kỹ năng lãnh đạo từ người đứng đầu bộ phận quản trị nhân lực của Goldman Sachs

Jun 27, 2018


Dane Holmes, Head of Human Capital Management, Goldman Sachs

Tôi luôn đánh giá cao sức mạnh của góc nhìn. Tôi tin rằng cách thức mà bạn lựa chọn để nhìn nhận một sự vật sẽ định hình cái bạn nhìn thấy và trải nghiệm. Khi tôi còn trẻ, cha mẹ tôi chia tay nhau, tôi đã phải đưa ra lựa chọn – bạn có thể tập trung vào những điều phiền lòng mà cuộc chia tay của họ đã gây ra cho tôi, hoặc nhìn nhận nó như một cơ hội để học cách tự chăm sóc bản thân, để học tập nghiêm túc hơn, để trưởng thành và hành động có trách nhiệm hơn. Chia cắt chắc chắn là một điều khó khăn với tôi, nhưng việc đó đã dạy tôi về tầm quan trọng của góc nhìn và tìm ra khía cạnh tích cực trong tất cả những thứ mà cuộc sống mang đến cho ta.

Tua nhanh đến hiện tại, sau trải nghiệm đó và hơn 17 năm làm việc tại Goldman Sachs, trải qua nhiều vị trí tuyệt vời, gần đây tôi đã đảm nhận vị trí mới là người đứng đầu của bộ phận Human Capital Management (tạm dịch: Quản trị vốn nhân lực). Nói cách khác, tôi đã có được cơ hội tốt nhất: Một vị trí mới, nhưng tại một công ty tôi đã rất quen thuộc. Vai trò của tôi rõ ràng là rất khác biệt, và nó cho phép tôi có một góc nhìn mới – một góc nhìn tập trung vào việc khai mở tiềm năng của con người vì mục tiêu lợi ích của công ty, khách hàng và cộng đồng mà ta đang sống.

Ngành này đã luôn hấp dẫn tôi vì nó là một ngành kinh doanh dựa trên nền tảng con người. Mỗi ngày, tôi lại cảm thấy ngạc nhiên bởi tài năng của những người đồng nghiệp xung quanh tôi – sự đam mê, tò mò, năng lượng dường như không giới hạn của họ trong việc tạo ảnh hưởng đến thế giới. Và bây giờ, tôi có trách nhiệm và đặc quyền giúp họ phát triển và nhận ra tiềm năng lãnh đạo của mình.

Gần đây, tôi đã gõ vào tìm kiếm các quyển sách về kỹ năng lãnh đạo trên Amazon – kết quả trả về lên đến con số hàng chục nghìn. Điều này xác nhận niềm tin của tôi về việc “kỹ năng lãnh đạo” là một từ được sử dụng thường xuyên, nhưng có lẽ được hiểu quá ít. Như mọi nhà lãnh đạo khác, tôi liên tục phát triển, với những góc nhìn mới liên tục được tạo ra và chào đón. Một vài hiểu biết mà tôi thu được về những con người phi thường ở Goldman Sachs đã trở thành kim chỉ nam vĩnh viễn cho tôi, bao gồm 5 điều sau:

1. LUÔN CÓ MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG

“Mục đích của chúng ta là gì?” nên là một trong những câu hỏi đầu tiên mà nhà lãnh đạo đưa ra để xây dựng chiến lược và tạo ra ảnh hưởng lâu dài. Mục đích đó nên có khát vọng và kết nối được những nỗ lực riêng biệt của mỗi cá nhân trong team hướng đến một điểm đến chung vĩ đại hơn chính bản thân họ. Việc ý thức rõ ràng về mục đích cũng mang đến một phép thử cho việc đưa ra quyết định, đặc biệt là khi bạn đang ở trong một môi trường mới hoặc không quen thuộc. Hành động được đề xuất đó có thống nhất với đặc điểm của chúng ta và đích đến mà chúng ta đang hướng đến hay không? Nếu không thống nhất, tại sao? Nếu không có ý thức mạnh mẽ về mục đích, cuộc sống công sở của chúng ta có thể bị giáng cấp thành một chuỗi những công việc, chúng ta làm việc nhiều nhưng đạt được thì rất ít.

2. HÃY LÃNH ĐẠO VỚI LÒNG KHIÊM TỐN

Điều này không liên quan đến việc tỏ ra hiền lành mà liên quan đến việc tỏ ra trung thực – bắt đầu từ trung thực với bản thân. Hãy biết những điểm yếu của bạn – chúng ta đều có chúng (trong ngôn ngữ doanh nghiệp, chúng tôi hay gọi chúng là “vùng để phát triển”). Một cách thận trọng, hãy xây dựng một đội ngũ có thể bù đắp cho những điểm yếu của bạn. Tương tự, hãy biết những điểm mạnh của mình, nhưng cẩn thận đừng để bị phụ thuộc quá mức vào nó. Khi một điểm mạnh được phát triển đến mức cùng cực, nó sẽ trở thành điểm yếu. Ví dụ, sự tự tin có thể phát triển thành sự kiêu ngạo. Việc ý thức về bản thân và thể hiện mình một cách khiêm tốn sẽ giữ bạn luôn đúng hướng.

3. GIAO TIẾP LIÊN TỤC SẼ CỦNG CỐ VĂN HÓA

Những nguyên tắc hầu hết sẽ không được thể hiện đủ rõ ràng để mọi người thực sự hiểu và tiếp thu được. Các nguyên tắc chính là lý do đằng sau của những việc xảy ra nhưng không được ai đề cập đến. Gần đây, trong một chương trình phát triển dành cho những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của công ty, chúng tôi đã tham gia chương trình Apollo Leadership Experience ở Washington, D. C. Những người tham gia đã học về những nỗ lực của NASA trong chương trình vũ trụ. Chúng tôi bàn luận về bài phát biểu năm 1961 của Tổng thống John F. Kennedy, khi ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc bước chân lên mặt trăng vào cuối thập kỷ. Khi đó, nhiều người đã nghĩ rằng ý tưởng đó thật vô lý, nhưng Tổng thống Kennedy đã khẳng định niềm tin của mình và nhắc lại nó vô số lần – trong những bài diễn thuyết, các cuộc họp lớn nhỏ, trong các lễ kỷ niệm cũng như các chuyến viếng thăm – cho đến khi mọi người bắt đầu tin vào nó. Bài học này nhắc chúng tôi rằng lòng tin tưởng tuyệt đối, sự củng cố liên tục về mục tiêu cùng với những nguyên tắc nhằm nhấn mạnh mục tiêu đó chính là những điều tạo nên văn hóa.

4. XÂY DỰNG SỰ TIN TƯỞNG

Sự tin tưởng không nhất thiết cần phải đạt được; nó có thể được giao và gìn giữ nếu – và chỉ nếu – tất cả các bên liên quan quản lý tốt niềm tin đó. Thật dễ dàng để trở nên hoài nghi hoặc đánh giá người khác dựa trên một hành động duy nhất, nhưng thay vì vậy, hãy chọn cách nhìn vào ý định của người đó và đánh giá họ dựa vào những hành động thường xuyên của họ. Hãy tạo ra một môi trường nơi các thành viên trong đội ngũ có thể tin tưởng rằng những góp ý thật thà của họ – bao gồm cả những sai lầm – đều được đánh giá một cách chân thành. Đảm bảo rằng tất cả mọi người xung quanh bạn đều biết họ có quyền được đưa ra và nhận feedback. Tôi vẫn chưa làm việc với nhóm đối tượng nào – dù là thế hệ millennial hay thế hệ nào khác – mà không sẵn sàng tiếp nhận những góp ý và lời khuyên, nếu như chúng mang tính xây dựng. Vì vậy, dù bạn đang quản lý một tổ chức lớn hay một đội ngũ nhỏ, hãy xây dựng một văn hóa nơi mọi người có thể nói chuyện cởi mở với nhau, trao đổi những feedback thật lòng cho nhau mà không sợ hậu quả hoặc bị đánh giá.

5. HÃY ĂN MỪNG

Chúng ta đã dành nhiều thời gian cho công việc rồi. Một vài số liệu đã cho thấy rằng chúng ta dành hơn 1/3 cuộc đời cho công việc. Vì vậy, các nhà lãnh đạo phải biết khi nào cần cho mọi người thả lỏng và ăn mừng: ăn mừng đội ngũ, những thách thức đã vượt qua, những thành tựu đã đạt được – dù nhỏ hay lớn. Với kinh nghiệm của tôi, những thành tựu trong công việc sẽ đến khi chúng ta làm việc với nhau và cùng hướng đến một mục tiêu chung. Có rất nỗ lực đã được thực hiện, chúng ta cần đảm bảo rằng cả đội ngũ có cơ hội để dừng lại một chút và trân trọng thành tựu đã đạt. Đây là một phần quan trọng trong quá trình tự làm mới và trẻ hóa doanh nghiệp, điều cần thiết cho sự phát triển của tổ chức về lâu về dài.

Từ 1896, Goldman Sachs đã phát triển từ văn phòng chỉ có 1 phòng ở New York đến một công ty dịch vụ tài chính hàng đầu với hơn 70 cơ sở trên toàn thế giới. Trong thời gian đó, những thay đổi đối với thị trường và thế giới là nhiều đến mức không thể đếm nổi. Điều vẫn không thay đổi, chính là những giá trị cốt lõi và niềm tin đã đưa chúng tôi đi qua quãng đường dài đó. Tôi mong chờ có cơ hội để xây dựng tiếp tục trên nền tảng mà các nhà lãnh đạo trước đã thiết lập, cũng như di sản quan trọng nhất mà họ đã để lại: những góc nhìn và nguyên tắc của họ.

Tác giả: Dane Holmes, Head of Human Capital Management, Goldman Sachs