Jul 02, 2018
Hiện nay, trung bình mỗi người dành 83 phút mỗi ngày cho việc xem video trên mạng, con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 92 phút vào năm 2020, theo eMarketer.
Với các thương hiệu và marketer, sự tăng trưởng này cho thấy những cơ hội lớn để thu hút khách hàng. Paul Verna, một nhà phân tích cấp cao của eMarketer cho biết: “Chúng tôi định nghĩa digital video là bất kỳ nội dung nghe nhìn nào được phân phối thông qua kết nối Internet hoặc mạng di động. Như vậy digital video sẽ bao gồm tất cả mọi thứ từ YouTube, video trên Facebook đến Netflix hay HBO Now. Mọi nội dung nghe nhìn mà không được truyền tải qua cáp, vệ tinh hoặc ăng-ten không dây.”
Thật vậy, với những sự phát triển trong công nghệ hiện tại, nhiều hình thức video mới đã xuất hiện với nhiều nền tảng và kênh khác nhau cho việc chia sẻ và phân phối nội dung. Đáp lại, các marketer đã có những chiến lược tuyệt vời trong việc sử dụng video để thu hút tương tác, bàn luận, tạo ra sự yêu thích đối với thương hiệu và thúc đẩy mua hàng. Dưới đây là 7 xu hướng lớn nhất trong việc sử dụng video ngày nay và những điều nên kỳ vọng cho thời gian sắp tới.
1. VIDEO HƯỚNG DỌC
Video dọc là sản phẩm của thế hệ xem điện thoại di động là màn hình quan trọng nhất. Theo eMarketer, có tới 75% lượt xem video của thế giới được xem trên điện thoại thông minh.
Theo Jeff Pedersen, Product Marketing Manager của Creative Cloud Enterprise tại Adobe, thách thức với video dọc chủ yếu đến từ việc biên tập. Thông thường, các thương hiệu, vốn quen với việc quay phim ở khung hình ngang truyền thống, thường phải quay lại lần nữa nếu muốn thực hiện video cho mobile.
“Video dọc là một ý tưởng sáng tạo mới hoàn toàn.” Ông Pedersen nói. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta suy nghĩ về việc quay video. Hiện tại, trước khi bắt đầu quay, chúng ta đã phải lên kế hoạch cho video dành cho điện thoại trước. Kích thước màn hình hiển thị đang trở nên đa dạng hơn, vì vậy việc thực hiện video phù hợp cho nhiều định dạng sẽ tiếp tục là một vấn đề trong tương lai.
Khi tỷ lệ sử dụng Internet trên điện thoại đã vượt qua tỷ lệ sử dụng máy tính, chuyển sang video dọc là một điều bắt buộc. Nhà xuất bản News U.K. đã giới thiệu dịch vụ “V-Studio” nhằm giúp các nhà quảng cáo chuyển video ngang thành video dọc. Từ tháng 10/2017 đến tháng 01/2018, News U.K. đã tung ra 16 chiến dịch sử dụng video dọc, trong đó những thương hiệu xa xỉ như Michael Kors và Mr Porter cũng đã nhanh chóng chuyển sang định dạng này.
Càng ngày càng có nhiều nhà xuất bản theo trào lưu này, vì vậy quảng cáo video dọc được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển. “Nếu bạn biết rằng video của bạn sẽ được đưa lên Snapchat, nhưng bạn cũng đang thực hiện một chiến dịch cho TV, hãy lên kế hoạch cho điều đó khi bạn quay phim” – Verna khuyên. “Sẽ có sự khác biệt lớn trong việc quay phim, phụ thuộc vào việc video đó sẽ được trình chiếu theo dạng dọc, dạng ngang, hay cả hai.”
2. VIDEO CHO PHÉP MUA HÀNG (SHOPPABLE VIDEO)
Video cho phép mua hàng (Shoppable Video) là một ví dụ tuyệt vời của Product Placement (kết hợp quảng bá sản phẩm trong phim). Trong quá khứ, các sản phẩm cần quảng bá được đặt vào trong các TV show, hay phim ảnh, và vậy là xong. Nhưng bây giờ, với Shoppable Video, người tiêu dùng có thể xem một sản phẩm trong video, rồi click vào link để mua chúng trực tiếp trên web.
Nhãn hiệu thời trang Ted Baker đã tiên phong với quảng cáo shoppable video. Thương hiệu này đã tung ra một phim ngắn 3 phút theo dạng shoppable với tên gọi “Mission Impeccable”, trong đó người xem có thể lướt để xem những món trang phục và trang sức mà diễn viên trong phim đang sử dụng và mua chúng.
Video “Mission Impeccable” của Ted Baker
Allon Caidar, CEO của TVPage, một nền tảng Shoppable Video, cho biết: “Người tiêu dùng ngày nay muốn tương tác ở mọi nơi, và muốn thực hiện hành động (mua hàng) ngay khi tương tác. Với Shoppable Video, người bán có thể phản hồi người tiêu dùng ngay lập tức khi họ cần.
Các nhà bán lẻ và nhãn hàng còn có thể nâng tầm cho các nội dung Shoppable thông qua Livestream. Công nghệ hiện nay có thể lọc ra các bình luận trên video Livestream và giới thiệu cho khách hàng sản phẩm phù hợp ngay lập tức. Sự kết hợp giữa video và khả năng mua hàng trực tiếp đã được chứng minh là mang lại sự tương tác và tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng cao hơn.
3. VIDEO TẠM THỜI (EPHEMERAL VIDEO)
Ephemeral video (video tạm thời) là những nội dung nghe nhìn chỉ có thể xem được trong một khoảng thời gian cố định. Tâm lý “xem ngay đi nếu không sẽ mất” chính là thứ khiến cho hình thức này trở nên phổ biến đối với những đối tượng trẻ. Facebook gần đây đã thông báo rằng chức năng Stories của họ đã có hơn 150 triệu người xem mỗi ngày. Để tối ưu lợi nhuận từ nền tảng này, Facebook đã bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trên Stories tại Mỹ, Mexico và Brazil.
Bạn không thể nói đến video tạm thời mà không nhắc đến Buzzfeed và Refinery, những công ty đang đi đầu trong việc tạo ra video ngắn dành cho các nền tảng như Stories, Snapchat và Instagram. Các nhà xuất bản khác như Vice cùng với các nhãn hàng như J. Crew, Michelob Ultra và LG cũng đã tham gia vào xu hướng này.
Nội dung tạm thời không chỉ giới hạn trên các nền tảng như Facebook, Instagram và Snapchat. Ví dụ, hãng thu âm Main Course đã dùng Soundcloud để quảng bá những bài hát mới của nghệ sỹ, trong đó người hâm mộ chỉ có thể nghe bài hát trong một khoảng thời gian giới hạn trước khi nó biến mất.
“Bản chất ngắn hạn của loại nội dung này tạo ra sự mới lạ và hấp dẫn đối với người xem, đặc biệt là đối với những người trẻ.” – theo Paula Bruno, Chủ tịch của Blissful Media Group, một social media agency. “Những nội dung tạm thời này có vòng đời ngắn và liên tục, khiến cho chúng có cảm giác “thật” và tự nhiên hơn so với những bài đăng quảng cáo, cộng thêm ảnh hưởng từ yếu tố FOMO [fear of missing out – nỗi sợ bỏ lỡ]. Kết quả là người xem có xu hướng hành động và mua hàng nhanh, ngay lập tức.”
4. VIDEO TƯƠNG TÁC (INTERACTIVE VIDEO)
Video tương tác cho phép người tiêu dùng tương tác nhiều hơn là chỉ đơn thuần xem. Ví dụ, tổ chức phi lợi nhuận Mended Little Hearts sử dụng video tương tác để minh họa cho cách thức tổ chức này sử dụng những khoản tài trợ để giúp đỡ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong video, người xem được khuyến khích gửi tiền quyên góp cho mục tiêu này; mỗi lần có người quyên góp, video sẽ trở nên tươi sáng hơn và vui vẻ hơn cho nhân vật chính, một cậu bé tên Max.
“GIVE A FULLER LIFE” của Mended Little Hearts
Xu hướng này đang lan tỏa đến cả truyền hình. Nếu bạn xem truyền hình tại nhà trên các kênh như Sling TV, bạn có thể sử dụng điều khiển từ xa để tương tác với quảng cáo. Verna của eMarketer đã cho biết, đây là điều mà nhiều người đang bắt đầu thử nghiệm.
“Đây là cơ hôi để các nhãn hàng kết hợp các nội dung digital với các hoạt động truyền hình. Khi dữ liệu truyền hình được kết hợp với công nghệ video hiện đại, điều này sẽ mang đến hiệu quả tối ưu cho việc phát sóng, đồng thời làm tăng giá trị của các hoạt động quảng cáo bằng video.” – theo Abbey Thomas, CEO của Tremor Video.
5. VIDEO ĐƯỢC CÁ NHÂN HÓA
Các chiến lược cá nhân hóa hiệu quả vì mọi người đều thích những trải nghiệm được tạo ra dành riêng cho nhu cầu và sở thích riêng của họ. Video cá nhân hóa cũng vậy.
Adidas đã tạo ra những video cá nhân hóa cho từng vận động viên một trong chương trình Boston Marathon. Mỗi người tham gia đều nhận được video của họ chỉ vài giờ sau khi họ về đích.
“Nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến gần đây, ví dụ như các nền tảng mở hay chatbot, hứa hẹn sẽ là cơ sở để mở rộng việc sử dụng các video cá nhân hóa trong tương lai.” – theo Yotam Benami, CMO tại Idomo, một nhà cung cấp video cá nhân hóa.
6. VIDEO 360 ĐỘ
Một nghiên cứu của AOL từ năm 2017 đã phát hiện ra rằng gần một nửa người tiêu dùng toàn cầu (49%) đang trải nghiệm video 360 độ trên điện thoại. Trong một thời điểm mà người tiêu đùng đang kỳ vọng nhiều hơn về trải nghiệm thay vì những quảng cáo kiểu “mua đi, mua đi”, video 360 độ sẽ là một phương thức hấp dẫn để khách hàng biết đến thương hiệu.
Trường hợp của NASCAR là một ví dụ. Tim Clark, Phó Chủ tịch về truyền thông kỹ thuật số của nhãn hiệu này cho biết: “Trước khi các công nghệ như VR và video 360 độ xuất hiện, cách duy nhất để khách hàng trải nghiệm không khí giải đua xe của chúng tôi là mời họ đến trường đua. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng tham gia trực tiếp là cách tốt nhất để khách hàng trải nghiệm các cuộc đua, tuy nhiên thực tế ảo và video 360 độ có lẽ là cách tốt thứ hai.”
Ví dụ, những fan hâm mộ NASCAR có thể xem một vòng garage ô tô của hãng này thông qua một video 360 độ, trong đó họ có thể xem cận cảnh các chiếc xe từ nhiều góc độ. Khách hàng có thể trải nghiệm video 360 độ này trên website, ứng dụng mobile, trên Facebook hay YouTube.
7. VIDEO TRỰC TIẾP
Video trực tiếp cũng đang trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng, và các thương hiệu cũng không thể bỏ qua xu hướng này. General Electric đã sử dụng Facebook Live để tổ chức một buổi livestream 360 độ mang tên “The Creators Circle”. Người dẫn của buổi livestream, Nina Hajian, đã phỏng vấn các nghệ sỹ và influencer (người có ảnh hưởng) như Cat London, Dschwen và Alicia D’Angelo trong những không gian được thiết kế riêng phù hợp cho chuyên môn nghệ thuật của mỗi người. Video này được thực hiện nhằm giới thiệu các loại bóng đèn LED của hãng mang tên Relax, Refresh và Reveal, được sử dụng trong các căn phòng set up cho buổi Livestream. Người xem có thể di chuyển từ phòng này sang phòng khác để xem các nghệ sỹ sử dụng các loại bóng đèn này như thế nào trong quá trình sáng tạo của họ.
Một ví dụ khác, chương trình Think Tank của Adobe đã tập hợp các nhà chiến lược nổi tiếng lại và livestream cuộc nói chuyện của họ đến hàng triệu người xem trên Facebook. Kết quả? Khán giả đã được xem những cuộc thảo luận thực tế, không bị cắt ghép về các xu hướng, thử thách và cơ hội về lĩnh vực digital marketing.
Cơ hội cho live video là rất lớn. Một nghiên cứu gần đây của New York Magazine đã phát hiện ra rằng 78% người dùng trên mạng đã và đang xem các video trực tiếp trên Facebook Live, và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khi công nghệ 5G đang sắp được triển khai trên toàn nước Mỹ.
Tác giả: Giselle Abramovich
Sign up for newsletters
Highlights