Chiến lược giữ chân người tài của 4 lãnh đạo nổi tiếng Việt Nam – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Chiến lược giữ chân người tài của 4 lãnh đạo nổi tiếng Việt Nam

Jul 08, 2018

Những nhân viên tài năng đang trở thành những “mặt hàng quý hiếm” trên thị trường lao động tại Việt Nam. Chỉ cần một chút sơ hở, nhân tài của bạn đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực cho công ty đối thủ. Điều này sẽ gây nên những tổn thất trước mắt không hề nhỏ cho những nhà quản lý. Để không phải “đau đầu” tìm cách giữ chân nhân tài, các bạn hãy tham khảo bí quyết quản lý nhân sự từ 4 CEO hàng đầu Việt Nam qua bài viết sau.

1. BÀ TRỊNH THU HỒNG - GIÁM ĐỐC NHÂN SỰ TẬP ĐOÀN FPT: KẾT HỢP YẾU TỐ HỌC VÀ HÀNH

Bà Trịnh Thu Hồng – Giám đốc Nhân sự, Tập đoàn FPT từng chia sẻ: “Ngay từ đầu, FPT đã coi con người là tài sản quý giá nhất, tất cả các mục tiêu đều hướng đến lợi ích của con người. FPT không giữ người bằng lương hay chế độ đãi ngộ, đó là cách làm không thông minh nhất. Điều chúng tôi làm được, đó chính là kết hợp được 2 yếu tố học và hành, ở FPT, tất cả mọi người đều có cơ hội để thể hiện bản thân, đều được sống là chính mình và được sống trong môi trường đoàn kết, đồng đội”.

Môi trường đào tạo và làm việc của FPT luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo, phát triển tài năng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cấp dưới tại FPT có thể trao đổi thẳng thắn và bình đẳng với câp trên. Lắng nghe các ý kiến khác biệt cũng là cách để FPT khuyến khích tinh thần nhân viên, giúp họ cảm thấy được tôn trọng và mong muốn gắn bó lâu dài với tổ chức.

2. ÔNG NGUYỄN MẠNH HÙNG - TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN VIETTEL: ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC 5%

Tổng Giám đốc Viettel – Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ, Viettel đã có những lúc “thiếu thốn người tài”. Ông Hùng đã sang ICI telecom vào năm 1998 và đặt câu hỏi về vấn đề này. Theo đó, ICI telecom cho biết công ty chỉ quản lý 5 người. Đó là 5 người quan trọng hàng đầu của tập đoàn vì mọi vấn đề sẽ được họ quản lý và giải quyết. Nếu áp dụng cách thức của ICI telecom, Viettel chỉ cần đào tạo 5% nhân lực, tức là 1250 người để tạo ra quy trình cho những người còn lại. Việc này sẽ tạo nên nhiều thuận lợi trong bài toán nhân lực của tập đoàn và tập trung được nguồn lực để đào tạo đội ngũ xuất sắc nhất.

3. ÔNG NGUYỄN ĐỨC TÀI - TỔNG GIÁM ĐỐC THẾ GIỚI DI ĐỘNG: GIỮ NGƯỜI TÀI VỚI CHI PHÍ CAO NHẤT

“Đừng bao giờ coi nhân viên là kẻ bán sức lao động mà ông chủ dùng đủ chiêu trò để mua với giá rẻ mạt. Ngược lại, chiến lược của tôi là giữ người tài với chi phí cao nhất.” – Ông Nguyễn Đức Tài, Chỉ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động chia sẻ. Ông Tài cũng cho biết, khi quan hệ giữa sếp và nhân viên là quan hệ mua bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một người muốn bán đắt. “Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì cùng chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh” – ông khẳng định. Khi mọi thứ được thực hiện dựa trên nguyên tắc công bằng, bất cứ yếu tố nào gây ảnh hưởng xấu tới công ty sẽ đều được các nhân viên đồng lòng xử lý. Vì nhân viên hiểu rằng, quyền lợi của doanh nghiệp hay quyền lợi của lãnh đạo cũng chính là quyền lợi của họ, họ sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển chúng.

4. ÔNG VŨ MINH TRÍ - NGUYÊN CEO MICROSOFT VIỆT NAM

“Với Microsoft, để tìm ra nhân tài là cả một quá trình theo đuổi lâu lắm, có khi vài tháng, có khi vài năm, chứ không phải gói gọn trong 45 phút phỏng vấn. Nếu CEO và giám đốc nhân sự không ngồi lại với nhau để tìm ra ai trong thị trường có thể làm tốt nhất vị trí đó thì làm sao có thể lên kế hoạch thay thế hay dự phòng? Phải săn lùng chứ không thể kiếm “cầu thủ tự do”” – ông Vũ Minh Trí (Nguyên CEO Microsoft Việt Nam) chia sẻ. Hiện nay, Microsoft dành ra 2-4 tiếng mỗi tuần để chia sẻ những vấn đề giữa lãnh đạo và bộ phận nhân sự. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm được những ai đang trở thành nhân viên cốt lõi để tập trung đào tạo và phát triển. Vì nếu không làm được điều này, việc nhân tài ra đi là điều tất nhiên.