May 04, 2018
"Cách Mạng Công Nghệ (CMCN) 4.0 đã và đang thay đổi môi trường sống cùng tập quán của chúng ta. Giáo dục cũng cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội." - Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ về những thử thách và cơ hội cho thời đại Giáo dục 4.0.
Xã hội trong kỷ nguyên của CMCN 4.0 (có thể gọi xã hội 4.0) có các đặc điểm sau:
1. Thế giới được kết nối và trao đổi thông tin qua Internet/wifi với nhau kể cả với con người. Robots sẽ là bạn đồng nghiệp chứ không còn là công cụ giúp việc.
2. Công nghệ thực tế ảo đang xóa dần ranh giới giữa thế giới thật và thế giới ảo. Tốc độ tính toán ngày càng tăng nhanh, các hệ thống thực tế ảo ngày càng giống thật.
3. Tất cả mọi công việc có thể hoàn tất bởi các hệ thống thông minh hay robots đều sẽ được thay thế. Các hệ thống thông minh và robots sẽ có khả năng quyết định, hành động độc lập và tự động để hoàn tất công việc giao phó nhanh chóng. Con người chỉ can thiệp khi các hệ thống thông minh này không có khả năng quyết định mà thôi (critical, bad and ill-defined situations).
4. Công nghệ sẽ giúp con người sống lâu hơn và chất lượng cuộc sống cũng cao hơn do đó nhu cầu phục vụ cũng sẽ tăng theo.
So với quá khứ, tập quán của con người ngày nay cũng đã thay đổi nhiều và tương lai sẽ còn nhiều thay đổi.
Điều đáng quan ngại là quan hệ trực diện giữa con người đang giảm đi đáng kể và dần được thay thế bằng tương tác gián tiếp qua kết nối công nghệ. Kỹ năng đọc, viết và trao đổi trực tiếp vì thế mà ngày càng kém đi.
CMCN đánh dấu những thay đổi lớn trong qui trình sản xuất. Qua mỗi CMCN thì một số lớn công việc được thay thế bởi CN mới nhưng nhiều công việc mới cũng được hình thành. Thí dụ CMCN 3.0, từ khi có máy tính và Internet thì các nghề mới như nghề lập trình viên, nghề lắp ráp, sửa chữa và bảo trì máy tính, nghề quản trị mạng, v.v. được hình thành.
Giáo dục cũng trải qua các cuộc thay đổi lớn trong môi trường, phương pháp cũng như triết lý đào tạo, tóm tắt như sau:
Giáo dục 1.0: Học sinh muốn học phải đến trường.
Vào lớp thầy cô đọc/giảng trò chép (một chiều). Tài liệu học tập từ bài chép và sách giáo khoa là chính. Chúng ta hay gọi là học từ chương.Giáo dục 2.0:[1] Được đánh dấu bởi việc dùng mạng
Internet mở rộng không gian đào tạo qua trực tuyến giúp cho việc dạy và học có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi. Thầy cô giáo tăng cường việc sử dụng các công nghệ cũng như tài liệu giảng dạy có trên mạng. Với Internet, việc sử dụng thông tin trên mạng để bổ sung cho tài liệu học tập từ thầy cô và sách giáo khoa trở nên bình thường. Việc học được mở rộng qua sự tương tác với các học sinh khác chứ không chỉ từ thầy cô.
Giáo dục 3.0: [2] (hiện tại) Phục vụ cho nền kinh tế tri thức.
GD 3.0 được đánh dấu bởi sự hình thành các hệ thống MOOC (Massive Open Online Courses) như Coursera, Udacy, edX, Udemy, Khan Academy, v.v. nên giáo dục được xã hội hóa toàn cầu, không giới hạn đối tượng.
Triết lý về phương pháp dạy và học cũng có sự thay đổi lớn từ truyền thống qua phương pháp học tập hỗn hợp và lớp học đảo ngược. Phương pháp học tập hổn hợp kết hợp hài hòa giữa trực diện và trực tuyến để việc dạy và học được hiệu quả tối đa về thời gian cũng như không gian. Lớp học đảo ngược thay đổi toàn diện qui trình đào tạo truyền thống. Trò học kiến thức căn bản ngoài lớp học từ các tài liệu trên hệ thống trực tuyến của trường, các hệ thống kết nối mở MOOC, Wikipedia, Youtube, v.v. Trong lớp thì học cách ứng dụng kiến thức để phản biện, giải quyết vấn đề qua trao đổi với thầy cô và với nhóm. Vai trò của thầy cô cũng thay đổi. Thầy cô đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ quá trình học hỏi của học sinh chứ không còn ‘dạy’ kiến thức cho học sinh.
Giáo dục 4.0: Phục vụ cho nền kinh tế sáng tạo.
GD 4.0 sẽ được đánh dấu bởi thay đổi lớn trong mục tiêu đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông qua khai lực (khai phóng tiềm lực, năng lực, và động lực) đồng thời trao quyền sáng tạo (empowering innovation) cho từng cá nhân. Trong khi việc cá nhân hóa đào tạo ngày càng nâng cao thì sứ mệnh của đào tạo vượt khỏi ranh giới quốc gia để phục vụ cho nhân loại.
CMCN 4.0 cũng như con người trong xã hội 4.0 đang đem đến nhiều thử thách cho giáo dục để đáp ứng được nhu cầu phát triển của mọi quốc gia. Nền giáo dục ở các nước tiên tiến hiện đang ở 3.0 và đang xây dựng hạ tầng cũng như cơ chế để chuyển qua 4.0. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đã từng ở mức độ phát triển như Việt Nam như Mã Lai và Thái Lan đang quyết liệt cải tiến nền giáo dục quốc gia để chào đón CMCN 4.0. Trong khi đó ở Việt Nam thì nền giáo dục đa phần vẫn chưa qua 2.0.
Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, giáo dục tại Việt Nam đa phần vẫn chưa qua 2.0.
Trước những thử thách của CMCN 4.0, lựa chọn nào cho giáo dục Việt Nam?
Việt Nam có hai lựa chọn: 1) Không làm gì cả cứ để mọi việc tiến hóa tự nhiên và 2) Can đảm cải tiến nền giáo dục để hòa nhập với bước tiến của thế giới.
GIÁ CỦA LỰA CHỌN KHÔNG LÀM GÌ SẼ RẤT LỚN
Trong kỹ nghệ sản xuất, tự động hóa và robots có khả năng tăng năng xuất, nâng cao chất lượng thành phẩm, và giảm giá thành. Trong thời gian gần đây Trung Quốc (TQ) nhập khẩu người máy (robots) và đầu tư vào tự động hóa ở tốc độ nhanh nhất trên thế giới.
Robots đã và đang chiếm lấy công việc ở TQ với một tốc độ vũ bão. [3] Tuy nhiên đây là chiến lược phát triển kinh tế của TQ để cạnh tranh trên thị trường sản xuất, nhất là thị trường thực phẩm, đồ điện tử, lắp ráp xe hơi, và may mặc. Giá thành sản phẩm lâu nay của TQ đã có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Với tự động hóa và sử dụng người máy, TQ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh ở tốc độ nhanh hơn nhiều.
Không riêng TQ, các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và kể cả Thái Lan cũng đang đầu tư vào sử dụng người máy trong sản xuất.
Với việc sử dụng robots và tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp không còn phải lệ thuộc vào thị trường lao động rẻ tiền.
Chẳng những thế, nếu sản xuất ngay tại thị trường tiêu dùng sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển. Hai lý do này khiến thị trường gia công bị suy giảm đáng kể. Điều này đang xảy ra ở Ấn Độ. [4] Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Thêm nữa, một nhận định sai lầm trong công chúng là tự động hóa và robots chỉ ảnh hưởng các công việc có tay nghề thấp. Sự thật thì robots đã và đang xâm nhập nhiều ngành chuyên nghiệp như kế toán [5], tài chính [6], y khoa [7], và kể cả giáo dục [8].
Trong xã hội 4.0, môi trường sống, học, và làm không còn tách biệt như hiện nay mà sẽ tích hợp để phục vụ cho nhu cầu cá nhân và công việc 24/7/365. Ranh giới địa lý giữa con người và công việc dần sẽ bị xóa đi khi con người có thể điều khiển hệ thống cũng như robots bằng suy nghĩ từ xa. Trao đổi trong các buổi họp giữa người thật và halograms (hình 3D) xóa ranh giới địa lý và tâm lý trong tương tác giữa con người. Lúc ấy cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ là toàn cầu và không ranh giới. Từ khi Việt Nam vào WTO và có hiệp định giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á thì thị trường lao động cấp cao ở Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt. Chúng ta thấy cấp quản lý người nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan v.v. ngày càng nhiều.
Với CMCN 4.0, cạnh tranh này sẽ khốc liệc hơn nhiều lần và toàn diện vì người lao động không cần phải về sống ở Việt Nam để làm công việc ở Việt Nam!
Chúng ta cần phải bứt phá tư duy ao làng ‘Nhà tôi, trường tôi, nước tôi, công việc tôi, v.v.’ và chấp nhận cuộc cạnh tranh toàn cầu không ranh giới với luật chơi hoàn toàn mới.
Nếu chúng ta không can đảm nhìn nhận thử thách từ cơn bão CMCN 4.0, không chuẩn bị bằng cách xây dựng một nền giáo dục tương thích thì chẳng những chúng ta không nắm bắt được cơ hội mà chắc chắn sẽ bị đào thải.
CẢI TIẾN GIÁO DỤC ĐỂ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Con người sẽ làm những công việc mà các hệ thống thông minh và robots không thể giải quyết được. Khi ấy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề sẽ là yếu tố chính đánh giá năng lực lao động của con người. Đó cũng là những yếu tố duy nhất mà con người hơn robots và trí tuệ nhân tạo.
Để đạt được mục tiêu này thì môi trường và phương pháp đào tạo phải có sự thay đổi tương ứng.
Qui trình đào tạo sẽ trở thành sự trao đổi và tranh luận giữa thầy, trò, và vạn vật thông minh (robots), dựa trên các mục tiêu sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tế của doanh nghiệp và xã hội.
Theo thiển ý của tôi, chúng ta cần xây dựng NGAY nền giáo dục 3.0 nhưng hướng đến mục tiêu đào tạo của 4.0 hoàn thiện ở từng giai đoạn của qui trình đào tạo.
(1) GIÁO DỤC PHỔ THÔNG:
Uốn cây từ thủa còn non.
Vai trò quan trọng của thầy cô trong giai đoạn này là hướng các em xây dựng tư cách đạo đức với những giá trị cốt lõi Dũng – Nhân – Trí – Tự, cùng với phát triển những kỹ năng mềm để học sinh có thể từ đó tự học hỏi suốt đời.
Song song với việc xây dựng kiến thức căn bản về văn hóa, khoa học và xã hội, trường cũng là nơi nuôi dưỡng cơ hội để các em khám phá đam mê và phát triển theo sở thích cá nhân. Với những hạn chế về hạ tầng cơ sở như hiện nay, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giáo dục phổ thông trực tuyến, tận dụng những nội dung phong phú từ các MOOC và các hệ thống mở (Open Access) đã có để đào tạo miễn phí cho người dân trong mọi lứa tuổi, ở mọi lúc, mọi nơi.
Cùng với hệ thống trực tuyến, các trường phổ thông nên áp dụng phương pháp đào tạo hỗn hợp và lớp học đảo ngược, nhằm nâng cao khả năng phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng sáng tạo cho các em.
(2) ĐÀO TẠO NGHỀ (Vocational Education and Training – VET):
Các nước có lượng thất nghiệp thấp trên thế giới là những nước có hệ thống giáo dục và đào tạo nghề có tính địa phương rất cao, có nghĩa là xây dựng và phát triển để phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động địa phương chứ không phải áp dụng chương trình đào tạo nghề cấp quốc gia.
Doanh nghiệp không còn là những cơ sở sử dụng người lao động một cách đơn thuần nữa, mà sẽ liên kết chặt chẽ với trường, trở thành một phần của trường để cùng đào tạo những tay nghề cao, phục vụ trực tiếp cho kinh tế địa phương.
(3) GIÁO DỤC ĐẠI HỌC:
Để có khả năng thích ứng với sự thay đổi mau chóng của thị trường lao động, cùng nhu cầu giải quyết các vấn đề phức tạp thường có tính đa ngành mà các hệ thống thông minh như robots không có khả năng xử lý thì hệ thống giáo dục đại học cần xây dựng môi trường tương thích, dựa trên mục tiêu khai lực và trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân.
Môi trường này cần tích hợp cả hai hệ thống trường học nơi giảng viên trao đổi và hướng dẫn trực tiếp với sinh viên và hệ thống trực tuyến nhằm phục vụ nhu cầu tự học mọi lúc mọi nơi của sinh viên. Tạo điều kiện để các em tự tin trao đổi, phản biện, kết nối và hợp tác. Chủ động phát huy tối đa tiềm năng của mình trong hành trình tiếp cận và ứng dụng tri thức để sáng tạo. Ngoài khả năng tự học thì khả năng unlearn (tạm gọi là xóa học) những kiến thức cũ, giờ thành lỗi thời hoặc trái ngược lại với nguyên tắc hoạt động của công nghệ mới, rất cần thiết để theo kịp tốc độ thay đổi của công nghệ. Kỹ năng xóa học là vấn đề quan trọng mà nhiều hệ thống giáo dục chưa hề đề cập đến. Ngoài ra các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, đàm phán, quản lý cảm xúc (emotional intelligence), và tinh thần phục vụ sẽ trở nên càng quan trọng.
Bằng cấp sẽ được đánh giá bởi trình độ sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề đa ngành ở cấp độ phức tạp theo năng lực của từng học sinh chứ không còn đánh giá bởi khả năng tiếp thu một số lượng kiến thức nhất định như số tín chỉ hay môn học của một chuyên ngành nào đó.
Chúng ta dần sẽ không còn có cử nhân về kinh tế, cử nhân về ngôn ngữ, hay cử nhân vật lý mà chỉ là trình độ cử nhân cũng như chúng ta sẽ không còn có kỹ sư phần mềm, kỹ sư máy tính, kỹ sư cơ khí mà chỉ là trình độ kỹ sư. Chương trình đào tạo sẽ được cá nhân hóa theo sở thích, khả năng và đam mê của từng người.
Cũng như đào tạo nghề, doanh nghiệp sẽ là một phần không thể thiếu của môi trường đạo tạo đại học. Doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng với giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kiến thức và phát huy tối đa các kỹ năng của mình, giải quyết các vấn đề thực tế để cùng hòa nhập với tiến triển của thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động ở bất kỳ thời điểm nào cũng đòi hỏi thời gian. Từ một em bé đến khi có trình độ đại học phải mất ít nhất 16 năm. Tái đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường phải mất ít nhất 2-4 năm với điều kiện hệ thống giáo dục cho mục tiêu này đã có trước.
Thưa các bạn, với CMCN 4.0 và những ảnh hưởng của nó trên thế giới đang diển ra chúng ta không còn thời gian để suy nghĩ và lựa chọn. Cái giá của lựa chọn không làm gì quá lớn cho giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Việc cải tiến nền giáo dục là điều cần thiết và phải làm ngay.
Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành
Sign up for newsletters
Highlights