Dec 09, 2020
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần FPT đã từng chia sẻ: "Khát vọng - đam mê là điểm đầu tiên và trọng yếu của một lãnh đạo”. Vậy có phải nhà lãnh đạo mang trong mình niềm say mê công việc sẽ là một ngọn đuốc dẫn đường, một tấm gương dẫn dắt thành công các nhân viên của mình hay không? Trong nội dung hôm nay, Tôi là Bùi Đức Quân – Giám đốc điều hành học viện doanh nhân MVV sẽ cùng bạn tìm hiểu xem niềm say mê có sức mạnh như thế nào mà nhờ nó một nhà lãnh đạo bình thường có thể trở nên vĩ đại.
Đam mê hay say mê là từ chỉ trạng thái yêu thích đặc biệt và bị cuốn hút liên tục, đắm chìm vào công việc nào đó, đến mức như không còn thiết gì khác nữa. Ở trong trạng thái này, bạn sẽ cảm nhận thấy sự vui thú, đầy tính sáng tạo sẽ xuất hiện một cách dồn dập. Nếu bạn đã xem một việc gì là đam mê thì bạn hãy dành tối đa thời gian của mình cho niềm đam mê đó, theo đuổi đến cùng, và luôn cảm thấy yêu thích và hạnh phúc với công việc đó. Hãy tưởng tượng tới hình ảnh nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật người Hàn Quốc Kim Yu Na đắm mình trong giai điệu mượt mà để đem tới cho khán giả những màn trình diễn tuyệt đẹp, hay hình ảnh người họa sĩ đang say sưa vẽ tranh. Đó chính là những hình ảnh cụ thể của những người đang đắm chìm trong việc mà họ say mê và thành quả công việc của họ chính là một tác phẩm nghệ thuật đi vào lòng người. Sẽ tốt biết bao nếu các bạn những nhà lãnh đạo của một doanh nghiệp cũng có thể trải nghiệm được sự đam mê như vậy trong công việc đang làm. Vậy có khó khăn lắm không để chúng ta đi tìm nguồn đam mê trong công việc? Rất may mắn là những nhà nghiên cứu về trạng thái say mê đã nghiên cứu và kết luận rằng đó là một việc không quá khó.
Điều đầu tiên để bạn có được đam mê đó là bạn phải có mục tiêu rõ ràng. Đồng thời, mục tiêu đó phải là một điều không hề ảo tưởng và hoàn toàn đủ khả năng thực hiện thì bạn mới có thể say mê chúng được. Điều quan trọng ở đây là bạn phải biết tận hưởng cả quá trình hướng tới mục tiêu. Cũng giống như khi leo núi, chúng ta sẽ không chỉ chăm chăm hướng về đích cuối cùng là đỉnh núi, mà phải biết cách tận hưởng chính quá trình leo núi thì mới có thể thực hiện được hoạt động này. Có một doanh nghiệp mang tên "Patagonia", đây là doanh nghiệp có thương hiệu trên toàn thế giới, chuyên cung cấp trang phục leo núi với phương châm "Mang lại niềm vui leo núi, bảo vệ vẻ đẹp của thiên nhiên". Doanh nghiệp này nổi tiếng là một doanh nghiệp có xu hướng giảm thiểu tối đa mọi tác động phá hoại môi trường nhưng vẫn có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, họ không hề chạy theo việc thúc đẩy tiêu thụ một cách vô điều kiện, thậm chí còn cung cấp dịch vụ sửa quần áo hư, rách miễn phí. Và mặc dù có nhiều việc phải thực hiện để đạt những tiêu chí về sản xuất hay phục vụ khách hàng nhưng những mục tiêu họ đưa ra nằm trong khả năng của doanh nghiệp và nhân viên của họ, nên nhân viên của Patagonia vẫn luôn tìm thấy niềm vui lớn khi "mối quan tâm của khách hàng và hứng thú trong công việc của họ có sự đồng nhất với nhau”. Có lẽ đây chính là chiến lược kinh doanh dựa trên cách của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng thứ hai cần quan tâm để có thể có được sự say mê là việc ghi nhận phản hồi. Lý do mà người chơi có thể dễ dàng đắm chìm trong các môn thể thao hay các trò chơi điện tử, đó chính là bởi vì họ luôn nhận được phản hồi trong từng giây từng phút. Trong quá trình ghi nhận phản hồi, bạn sẽ cảm thấy thích thú và bị kích thích, bởi qua những lời nhận xét, những phản hồi người quản lý dần dần cải thiện năng lực của bản thân và từ đó có thêm cơ hội để khai thác năng lực của mình.
Điều tiếp theo cần lưu ý là bạn phải giữ được sự cân bằng giữa năng lực của bản thân với mức độ khó khăn của vấn đề. Nếu một vấn đề nào đó quá dễ dàng, bạn sẽ lập tức cảm thấy tẻ nhạt và chán nản. Nhưng ngược lại, nếu vấn đề quá khó thì bạn sẽ đánh mất cảm giác tự tin hoặc sẽ bị rơi vào trạng thái bất an và không thể có cảm giác say mê được. Cảm giác say mê xuất hiện nhiều nhất khi bạn đang phải đối mặt với những vấn đề tương đối khó khăn, nhưng phải ở trong trạng thái năng lực xuất sắc. Lúc này là lúc bạn sẽ không thể lơ là bất cứ một giây phút nào. Bạn có thể tập trung hơn vào cảm giác tự tin của mình, tự nhủ rằng "nếu làm tốt, mình hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề", và đồng thời sẽ cảm thấy thích thú với công việc hơn. Albert Michelson - Người Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel trong lĩnh vực vật lý đã nghĩ ra phương pháp đo tốc độ của ánh sáng một cách chính xác. Tuy nhiên, có ai đó đã đặt câu hỏi "Tại sao lại có thể bỏ toàn bộ thời gian và công sức vào một việc như vậy?" Và ông đã trả lời rằng "Vì đó là một công việc quá thú vị".
Những nhà nghiên cứu về sự say mê còn kể lại một câu chuyện thú vị như sau. Khi con người rơi vào trạng thái say mê cao độ, họ sẽ quên mất cả bản thân mình, nghĩa là sẽ đạt tới trạng thái ngất ngây, không nhận thức được thế giới hay bản thân mình và dốc toàn bộ năng lượng vào công việc để làm nên những điều mà người thường không thể làm được. Nhà phát minh Thomas Edison là một con người như vậy. Trong quá trình phát minh ra bóng đèn, ông đã thử nghiệm hàng nghìn lần với các loại vật liệu như bạch kim, gỗ, sợi tóc...vv để tìm ra loại vật liệu thích hợp làm dây tóc cho bóng đèn, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy nhàm chán và bỏ cuộc. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều có thể luôn say mê một cách mãnh liệt như vậy. Tuy nhiên, dù chỉ là sự say mê nhất thời một cách rất đơn giản hoặc nhẹ nhàng, nhưng nếu bạn tích lũy được nhiều những trải nghiệm bạn vẫn có thể đạt tới đỉnh điểm của trạng thái say mê. Bởi người ta nói rằng, suy cho cùng, sự say mê mãnh liệt được tạo nên cũng từ những trạng thái say mê nhẹ nhàng như vậy.
Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng "Câu chuyện về sự say mê thật xa vời đối với tôi! Nó là một việc quá khó!" đúng không nào? Thế nhưng, nếu suy nghĩ lại, sẽ có đôi lần bạn đã từng trải nghiệm được niềm vui khi đang say sưa với một việc gì đó. Và nếu bạn khơi dậy, lan tỏa niềm vui, sự say mê trong đời sống công sở, có lẽ đó cũng sẽ là điều đem lại cho bạn cảm giác phấn chấn trong công việc. Ngoài việc tạo và giữ lửa đam mê cho bản thân, ở vai trò của một nhà lãnh đạo chỉ cần bạn nắm bắt tốt mối quan tâm hay năng lực của người khác để giao cho họ những công việc phù hợp, và giao chỉ tiêu ở mức 120% để họ có thể tập trung tuyệt đối. Bạn cũng nên phản hồi một cách liên tục, đặc biệt là giao tiếp với nhân viên một cách tích cực thì bất kể lúc nào người lãnh đạo cũng có thể cảm nhận được cảm giác say mê một cách thật nhẹ nhàng từ các nhân viên của mình. Các bạn cũng không được quên rằng phải thật cẩn thận để không xảy ra những việc làm cản trở sự say mê của nhân viên. Tức là không được giao những công việc vô nghĩa, can thiệp từng li từng tí, gọi họp hay bắt làm cái này cái kia trong lúc nhân viên đang say sưa như vậy sẽ làm đứt mạch công việc của họ.
Để trở thành một người lãnh đạo, đặc biệt là nhà lãnh đạo vĩ đại, quả thật đó là một việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ được bắt đầu từ việc tạo đam mê, nuôi dưỡng đam mê không chỉ của cá nhân mình mà cần phải lan tỏa ngọn lửa đam mê ấy đến những nhân viên, những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp lãnh đạo của mình. Hy vọng qua nội dung này các bạn sẽ rút ra được nhiều điều hay và ứng dụng được nó vào hoàn cảnh cá nhân của các bạn. Cám ơn các bạn đã theo dõi và xin hẹn gặp lại các bạn trong các nội dung bổ ích tiếp theo nhé.
Đăng ký nhận tin tức
Đọc nhiều