Những bài học từ người trở thành CEO năm 20 tuổi, kiếm được 77 triệu đô trong 10 năm – Học viện Doanh nhân MVV Academy

Những bài học từ người trở thành CEO năm 20 tuổi, kiếm được 77 triệu đô trong 10 năm

Jun 18, 2018

Giữ vai trò CEO không phải là việc dễ dàng. Suhail, người trở thành CEO vào năm 20 tuổi, đã tiết lộ những bài học đắt giá nhất mà anh học được từ việc vận hành một công ty.

Suhail Doshi, Nhà sáng lập và Nguyên CEO của Mixpanel – công ty phân tích dữ liệu kiếm được 77 triệu đô la trong 10 năm.

Theo ông:

• Công việc của một CEO là giúp đỡ nhân viên thông qua những cuộc họp và trao cho họ quyền quyết định. Bạn nên dành 90% thời gian để lắng nghe và chỉ 10% để nói.

• Đừng ngại việc đối đầu, nhưng nên nhớ rằng bạn nhắm vào vấn đề chứ không phải con người. Hãy đảm bảo rằng nếu gây ra lỗi lầm – điều không thể tránh khỏi – thì bạn phải đưa ra lời xin lỗi.

• Hãy tìm cho mình một người hướng dẫn, một chuyên gia tâm lý, một nhóm bạn là người sáng lập công ty và CEO để nhận được những sự giúp đỡ hữu ích nhất khi gặp phải thử thách.

—————–

Năm 20 tuổi, tôi trở thành một CEO. Tôi đã bỏ học ở trường đại học, và trước đó, tôi chỉ là thực tập sinh tại một công ty. Khởi đầu bằng việc viết code, tôi không bao giờ dám tưởng tượng rằng có ngày tôi sẽ vận hành một công ty với quy mô 300 người. Tôi đã gặp may – tôi làm hỏng nhiều thứ, nhưng cũng được giúp đỡ rất nhiều.

Dưới đây là những điều tôi đã học được trong suốt hành trình:

Từ bỏ việc kiểm soát không phải là điều đơn giản. Ban đầu, tôi cảm thấy tất cả mọi thứ đều rất quan trọng nhưng bạn biết đấy, chúng ta không thể nào giỏi hết về tất cả mọi mặt. Qua thời gian, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc bỏ qua nhiều thứ một cách cố ý và liên tục. Nếu không học được điều này, bạn sẽ không thể mở rộng quy mô và công ty của bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Những nhà đầu tư của bạn sẽ không nói điều này để tránh làm bạn tổn thương, cho nên tôi sẽ nói: Hãy tìm cho mình một người hướng dẫn điều hành doanh nghiệp và xem xét 360 độ về bản thân mình vài năm một lần.

Điều này thực sự đã làm thay đổi cuộc đời tôi – tôi đã học được rằng chúng ta không thể nào sửa chữa tất cả mọi thứ về bản thân mình. Khi tôi cố gắng cải thiện nhiều thứ cùng một lúc, điều đó thực sự quá sức với tôi. Thay vào đó, hãy tập trung vào hai hay ba thứ mỗi năm. Hầu hết những CEO mới đều cần phải nỗ lực rất nhiều để hợp tác tốt hơn với đội ngũ của mình khi công ty càng ngày càng phát triển. Hãy nói với công ty của bạn rằng bạn đang cố gắng cải thiện chính mình, và điều đó sẽ giúp tạo dựng lòng tin.

—————–

Dần dần, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng tất cả công việc của bạn chỉ là họp hành và bạn không thực sự làm được điều gì. Nhưng thực sự thì bạn đang làm việc đấy. Hãy nhớ rằng, công việc của bạn hiện tại là giúp đỡ mọi người thông qua các cuộc họp. Đừng trốn tránh nó – hãy chấp nhận nó. Giờ chính là lúc để làm cho nó thú vị và hiệu quả hơn.

Hãy sống với phương châm: “Bạn cần xây dựng một nhóm mà ở đó bạn có thể hoàn thành tất cả các công việc dù không có sự hiện diện của bạn”. Việc trao quyền cho những người khác trong đội ngũ sẽ giúp bạn ít bị áp lực hơn về lâu về dài. Nếu bạn quên mất, hãy hỏi bản thân bạn rằng mục tiêu ban đầu của bạn là gì. Có thực sự là vì tiền, quyền lực hoặc lòng tự tôn hay không?

Đừng tránh né đối đầu khi gặp phải những quyết định khó khăn, hay những vấn đề mang tính quyết định với công ty. Hãy giải quyết chúng một cách thẳng thắn. Việc tránh né sẽ dẫn đến sự ức chế, dần dần khiến cho các mối quan hệ trở nên khó chịu một cách không thể cứu vãn, làm cho công ty trở nên trì trệ – điều tạo nên sự bất ổn định. Khi phải đối diện với nhau trong công việc, hãy nhắm vào vấn đề chứ đừng nhắm vào con người.

Bạn sẽ có những tranh cãi với đồng nghiệp trong công ty. Đôi khi bạn sẽ không công bằng, hoặc nói những điều không đúng. Những người bị ảnh hưởng bởi các điều trên có thể sẽ ghét bạn trong một thời gian dài. Những từ như “Tôi xin lỗi, tôi sai rồi” đôi khi là điều mạnh mẽ nhất mà bạn có thể nói với người khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, những từ ngữ này không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề.

Công việc của bạn trở thành 90% lắng nghe và 10% nói. Tôi từng rất tệ trong việc ngăn mình ngắt lời người khác và phải cố gắng gấp đôi để sửa nó. Sau 9 năm rưỡi làm việc ở vị trí CEO, giải pháp tốt nhất mà tôi tìm được là viết mọi thứ vào giấy khi họp. Điều đó giúp tôi tập trung vào những điều mà người khác đang nói, và cho họ thấy rằng tôi đang lắng nghe.

—————–

Hãy kiểm soát tâm trạng của bạn trong suốt các cuộc họp. Đôi khi bạn sẽ có một cuộc họp tệ hại hoặc đáng thất vọng, nhưng hãy nhớ rằng những người tham dự vào cuộc họp tiếp theo không biết điều đó, và có thể đang rất mong chờ hoặc đang rất áp lực khi họp cùng bạn.

Trực giác của bạn về khách hàng và thị trường sẽ càng ngày càng tệ hơn khi công ty phát triển và bạn xa cách hơn với người mua hàng. Hãy tiếp tục trao quyền để đội ngũ của bạn đưa ra quyết định – nhưng đồng thời họ cũng phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Dành thời gian học hỏi từ họ.

Khám phá ra sự thật sẽ ngày càng khó khi công ty của bạn phát triển. Nó cũng trở thành điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm khi dẫn dắt công ty. Hãy khiến việc tìm ra sự thật và sử dụng chúng để đưa ra quyết định trở thành một phần của văn hóa công ty. Để làm điều này, tôi liên tục hỏi mọi người rằng sự thật thực sự là gì.

Quyền lực = trách nhiệm. Trở thành một CEO đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy cô đơn – bạn không thể mềm yếu hay luôn làm điều đúng như bạn muốn. Để vượt qua điều này, hãy tìm những người sáng lập công ty khác, những người có thể nói chuyện thành thật với bạn. Ăn tối cùng họ và chia sẻ vấn đề một cách cởi mở. Tôi đã từng nhận được những cái ôm vào những thời điểm khó khăn, và điều đó thực sự khiến mọi việc khác đi.

Hãy tìm cho mình một người hướng dẫn tuyệt vời. Chọn người nào mà bạn muốn gây ấn tượng, một người sẽ động viên bạn khi bạn gặp khó khăn, và kéo bạn về với thực tại khi bạn đang quá tự tin. Nếu có thể, hãy tìm một người từng giữ vị trí CEO / nhà sáng lập công ty, để họ có thể thực sự đồng cảm với bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: Công việc của một người hướng dẫn là định hướng, chứ không phải dắt bạn đi từng bước một.

—————–

Chúng ta đều là con người và đều có những nỗi bất an riêng, vậy nên hãy xem xét việc tìm cho mình một chuyên gia tâm lý để giúp bạn về mặt tâm lý. Nếu bạn có định kiến xấu với việc trị liệu tâm lý, bạn nên biết rằng tôi cũng từng như vậy, nhưng tôi đã sai. Tôi ước gì tôi đã làm điều này sớm hơn. Điều đó sẽ không thể nào đo đếm được giá trị.

Cuối cùng, hãy cố gắng hết sức để cải thiện bản thân. Bạn không thể sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, nhưng bạn có thể làm tốt hơn trong tương lai. Đừng bỏ cuộc: Khi phải đưa ra những quyết định khó khăn, bạn sẽ biết được những giá trị và nguyên tắc mà bản thân bạn đại diện.

Chỉ điều đó thôi cũng đã đủ khiến cho hành trình của bạn đáng giá rồi.

Nguồn: Bài viết của Suhail Doshi trên Business Insider.