“Nữ tướng” Mai Kiều Liên – Dấu ấn trong làng sữa Việt Nam – Học viện Doanh nhân MVV Academy

"Nữ tướng" Mai Kiều Liên - Dấu ấn trong làng sữa Việt Nam

Jul 19, 2018

Gắn bó với Vinamilk suốt 42 năm, trong đó, bà Mai Kiều Liên có tới hơn 25 năm giữ cương vị người đứng đầu Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. Vị nữ CEO này cũng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á ( từ 2012 – 2015). Đối với công việc lãnh đạo, quan điểm của đa số cho rằng phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới vì tư duy cảm tính và tiểu tiết. Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên lại là một chân dung ngoại lệ.

Vậy, điều đặc biệt nào ở nữ CEO này đã mang đến thành công cho bản thân bà cũng như Vinamilk?

KHẢ NĂNG LẮNG NGHE TÍCH CỰC

Nhiều năm qua, Vinamilk tự hào với văn hoá “Sẵn sàng lắng nghe từ toàn thể người lao động”. Để duy trì điều này, bà Mai Kiều Liên thường xuyên khuyến khích nhân viên trực tiếp gửi email để chia sẻ và thảo luận bất cứ lúc nào, về bất kì vấn đề gì trong quá trình làm việc. Bản thân bà luôn dành thời gian để trả lời những email đó hàng ngày, kịp thời tháo gỡ vấn đề cho từng cá nhân một cách hiệu quả nhất.

Có một điều khá thú vị là Vinamilk rất ít khi đuổi việc hay sa thải nhân viên. Khi có một nhân viên xin thôi việc, bà sẽ dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe lý do của họ. Bà Liên cho rằng: “Thứ nhất là thuyết phục. Thuyết phục không được lần một thì lần hai. Mình hiểu không phải lỗi của họ, lỗi hệ thống”. Chính bởi quan điểm và chính sách giữ chân nhân sự hợp lý mà Vinamilk lọt vào top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

QUYẾT ĐOÁN NHƯNG KHÔNG ĐỘC ĐOÁN

Theo quan điểm của bà, sự độc đoán là điều tối kị đối với một người làm lãnh đạo. Thay vào đó, bà Mai Kiều Liên đề cao tính quyết đoán, thể hiện ở việc tránh dao động sau khi ra một quyết định. Bà Liên chia sẻ: “Khi làm việc thì bàn bạc, lắng nghe ý kiến một cách dân chủ. Nhưng khi đã ra quyết định cứ thế mà thực hiện. Nếu anh em gặp khó khăn, họ sẽ trình với tôi và tôi sẽ là người trực tiếp cùng anh em tháo gỡ, nếu quyết định của tôi có gì không ổn, thì tôi là người đầu tiên phải sửa.” Lúc này, sự quyết đoán cũng sẽ trở thành động lực buộc người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm lớn hơn, cẩn trọng hơn khi suy xét vấn đề. Đồng thời, sự “mềm mại” được đưa vào trong quá trình thảo luận trước khi ra quyết định sẽ giúp vị nữ CEO tăng tính dân chủ cho tập thể, tạo động lực và tinh thần tốt hơn cho nhân viên.

Sự quyết đoán được bà thể hiện rõ trong thời khắc lựa chọn Vinamilk “bán mình” hay “giữ mình” trước lời kêu gọi liên doanh từ phía đối tác quốc tế. Bà thừa nhận khi có đối thủ mạnh, công ty sẽ gặp khó khăn, nếu chấp thuận lời đề nghị thì lương lãnh đạo rất cao nhưng thu nhập của công nhân lại không tốt. Chính sách giữ nhân sự, đặc biệt là những người gắn bó lâu năm cũng là tiêu chí để lãnh đạo công ty hướng tới. Sau rất nhiều cuộc họp căng thẳng, tranh luận gắt gao, bà Mai Kiều Liên cùng ban lãnh đạo công ty đã đồng thuận không liên doanh. Bà chấp nhận trở thành đối thủ để tạo tính cạnh tranh giúp thị trường sữa càng phát triển. Minh chứng cho thấy quyết định của bà đã không sai lầm mà còn là kim chỉ nam để Vinamilk vươn xa như ngày nay.